Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ra đường nên nhường nhịn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông trên đường, không thể tránh khỏi sự va quẹt nhau. Nhưng thay vì xí xóa cho qua, xin lỗi nhau, nở nụ cười làm hòa thì một số người lại hung hăng lao vào đánh nhau, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Truyền thông đã đưa tin rất nhiều về vấn đề này, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện những vụ án mới liên quan đến văn hóa giao thông. Như trường hợp va chạm xe máy trên đường Nguyễn Thị Tươi (phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào tối 18-8-2019 vừa qua. Thay vì nhỏ nhẻ nói chuyện phải quấy hoặc nhờ đến cảnh sát giao thông xử lý thì hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Hậu quả một người đàn ông đã bị hai thanh niên dùng mũ bảo hiểm đánh chết tại chỗ. Từ một sự việc nhỏ xíu đã xảy ra án mạng, kẻ thì vướng vào vòng lao lý, người thì rời xa gia đình mãi mãi. Thật không đáng chút nào.

Đồng ý rằng khi tham gia giao thông có va quẹt, đúng lúc hôm ấy chúng ta lao động mệt mỏi, gặp chuyện phiền phức, buồn chán, dẫn đến tính khí hung hãn, nóng nảy, không kiểm soát được lý trí. Tuy nhiên, không vì thế mà lao vào đánh nhau, đâm chém, gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là tước đoạt mạng sống người khác. Như thế là vi phạm pháp luật, cần phải triệt tiêu ngay từ trong tư tưởng. Thay vì động thủ, nên bình tĩnh lại. Mọi việc có thể giải quyết êm đẹp nếu chúng ta chịu nói chuyện lý lẽ. Lúc bực dọc, một số người không bao giờ nghĩ đến hậu quả, nhưng có thể nghĩ đến gia đình. Ai cũng có gia đình, nếu tù tội hoặc mất đi sự sống, người thân sẽ đau đớn tột cùng.

Người điềm đạm mà thấy người nóng tính hung hăng thì nên trì hoãn và gọi cảnh sát xử lý ngay để tránh bị tổn thương (vì đối phương không chịu nói lý lẽ). Riêng trường hợp nếu hai người đều nóng nảy, không thể đi đến kết luận ổn thỏa, cần nhờ đến cảnh sát giao thông xử lý. Người đi cùng không nên a tòng mà phải có cách xử trí khéo léo để hạ nhiệt sự việc. Người dân hai bên đường cũng nên có trách nhiệm với xã hội, thấy hai bên có dấu hiệu xô xát thì cần gọi ngay cho cơ quan chức năng để họ đến kịp lúc.

Tôi cũng là một tài xế, thường chở khách du lịch tham quan Việt Nam, Campuchia và Lào. Cũng nhiều lần xe tôi va quẹt xe của người dân bản địa, nhưng chúng tôi đều giải quyết ổn thỏa vì tôi luôn chủ động xin lỗi trước. Một lời xin lỗi và nụ cười trìu mến sẽ làm dịu đi căng thẳng hai bên. Phương châm làm việc ấy tôi luôn thuộc nằm lòng nên nhiều vụ việc khó khăn, tài xế hai bên đều bắt tay làm hòa. Hy vọng mọi người đều như thế, không riêng gì văn hóa giao thông mà ngay cả ở những lĩnh vực khác để xã hội Việt Nam chúng ta luôn sống hòa nhã, văn minh.

Trn Thái Hc

 

Bình luận (0)