Sau khi Giáo dục TP.HCM đăng loạt bài “Vì sao TP.HCM có kết quả thi tiếng Anh cao nhất?”, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc chia sẻ về vấn đề này. Dưới đây là ý kiến của một số thầy cô giáo, xin giới thiệu đến bạn đọc.
Học sinh lớp 12A4 Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) ôn tập môn tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 vừa qua. Ảnh: Q.Long
+ Cô Trần Nguyễn Hương Giang (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hùng Vương, Q.5, TP.HCM): Vai trò của bộ môn tiếng Anh được nhìn nhận
Nếu như trước đây, phụ huynh chưa thấy được tầm quan trọng của bộ môn tiếng Anh, thì bây giờ ý thức này đã được xác định rất rõ ràng. Theo đó, phụ huynh đã đầu tư cho con em mình rất lớn, ngoài việc học tiếng Anh ở trường, đa phần phụ huynh đều cho con em học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ.
Về phía trường học, tư duy dạy tiếng Anh cũng đã thay đổi. Thay vì chỉ chăm chăm trang bị các kỹ năng truyền thống là đọc – viết thì bây giờ, học sinh được nhà trường chú trọng trang bị đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết rất kỹ. Bộ môn tiếng Anh được tăng tiết giảng dạy và có sự tham gia của giáo viên bản ngữ. Có nghĩa là tiếng Anh hiện nay đã có sự “chung tay” đầu tư từ phía gia đình và nhà trường.
Một lý do nữa và cũng là lý do tiên quyết, đó là học sinh đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của tiếng Anh với bản thân các em để tốt nghiệp THPT, vào ĐH, đi du học… Nhiều trường ĐH có yêu cầu đầu vào tiếng Anh, kỳ thi THPT quốc gia cũng “chấm điểm 10” cho học sinh có chứng chỉ quốc tế.
Khi học sinh đã thay đổi ý thức với nhiều kênh để tiếp cận (và phụ huynh cũng thay đổi), nhà trường tạo điều kiện giảng dạy tốt thì áp lực hoàn thiện đối với người giáo viên bộ môn cũng rất lớn, buộc giáo viên phải thay đổi với những yêu cầu đạt chuẩn và trình độ càng phải cao.
+ Cô Võ Thị Huyền (Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM): Đặt hàng đổi mới cho giáo viên
Đứng ở góc độ quản lý, theo tôi, bộ môn tiếng Anh đã được các trường THPT dành sự đầu tư rất lớn. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh luôn được nhà trường tạo điều kiện để trau dồi, khuyến khích đổi mới phương pháp dạy. Thậm chí, Ban Giám hiệu đặt hàng đổi mới cho các giáo viên trong tổ bộ môn. Ngoài giáo viên Việt Nam, nhà trường còn mời thêm giáo viên nước ngoài đứng lớp để tạo môi trường giao tiếp, trau dồi phản xạ nghe – nói cho học sinh cũng như giúp giáo viên cọ xát thêm trong chuyên môn.
Đặc biệt, CLB Tiếng Anh trong trường được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên đã tạo ra sân chơi để học sinh vừa học vừa chơi ở bộ môn này. Cụ thể, CLB Tiếng Anh giúp học sinh có kiến thức thực tế hơn, học đi đôi với hành. Các em được áp dụng những kiến thức đã học vào các trò chơi; chia sẻ, tương tác với giáo viên, bạn bè. Ngoài ra, CLB cũng là môi trường để học sinh rèn luyện, bổ sung thêm các kỹ năng tiếng Anh cho bản thân, định hướng nghề nghiệp liên quan đến bộ môn cho các em.
+ Thầy Lý Hồng Danh (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM): Học sinh đã chủ động tự học ngoại ngữ
Có thể nói, học sinh tại TP.HCM được đầu tư tiếp cận với tiếng Anh từ rất sớm. Chính điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh của học sinh TP.HCM mà các tỉnh/thành khác không có được. Từ lợi thế cạnh tranh này, các em đã xây dựng ý thức và đăng ký học các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Bản thân giáo viên cũng góp phần trong việc định hướng cho học sinh, xác định lợi thế cạnh tranh cho học sinh, giúp các em ý thức được vai trò của môn tiếng Anh đối với bản thân sau này. Đây là cái mừng nhất cho giáo viên.
Một điều đáng mừng nữa là học sinh bây giờ rất chủ động trong việc học ngoại ngữ. Ngoài việc chủ động tự học từ mạng xã hội, các kênh thông tin, các em còn thành lập CLB Tiếng Anh, tự thiết kế xây dựng sân chơi, cuộc thi tiếng Anh để chia sẻ, giao lưu, gắn kết với nhau.
+ Thầy Phạm Hùng (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM): Giáo viên nỗ lực đổi mới phương pháp dạy
Để có được kết quả cao trong bộ môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, trước hết phải kể đến sự đầu tư, nhận thức của phụ huynh, đó là cho con em học ngoại ngữ bên ngoài nhà trường; nhiều học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ rất sớm. Về phía giáo viên, mỗi giáo viên tiếng Anh cũng đã có sự thay đổi trong việc giảng dạy. Bên cạnh dạy chương trình khung, các giáo viên đã rất nỗ lực đem đến những đổi mới trong phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Thầy cô luôn xác định rằng, học sinh đã nỗ lực tự học tiếng Anh, giao lưu tiếp cận với các chương trình quốc tế thì bản thân mình, trong mỗi tiết dạy phải giảng dạy như thế nào để các em chấp nhận, không thấy sự nhàm chán, mà ngược lại, các em vẫn tìm thấy những điều mới mẻ trong từng bài giảng của giáo viên.
Bên cạnh đó là sự hợp tác của học sinh trong bộ môn. Các em biết dung hòa giữa kiến thức của chương trình giáo dục Việt Nam và những kiến thức mà bản thân tiếp cận được trong chương trình quốc tế.
Đ.Yến (ghi)
Bình luận (0)