Học sinh đặt câu hỏi trong chuyên đề “Quản lý cảm xúc – phòng chống bạo lực học đường” |
“Bản chất của bạo lực học đường đó là các em chưa thể quản lý được cảm xúc của mình. Do đó, để hạn chế bạo lực học đường thì trước hết các em cần phải học được cách quản lý cảm xúc”, cô Phan Quốc Tường Vy (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A1, Trường THCS Trương Công Định, Q.Bình Thạnh) cho biết.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm vừa qua, cô Tường Vy đã thực hiện chuyên đề “Quản lý cảm xúc – phòng chống bạo lực học đường” nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản trong cách quản lý cảm xúc, xây dựng được tình bạn đẹp, phòng chống và hạn chế bạo lực học đường.
Chuyên đề xoay quanh giải đáp những thắc mắc của học sinh như làm thế nào để quản lý được cảm xúc trong cơn nóng giận? Bằng cách nào để tạo ra những cảm xúc tích cực cho bản thân? Tại sao các bạn học giỏi lại thường ít khi gây sự?… Trước những thắc mắc đó, cô Tường Vy phân tích, muốn quản lý được cảm xúc của bản thân thì đầu tiên các em cần phải hiểu được rằng, chính mình tạo ra cảm xúc của mình, mình phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc và biết cách điều khiển cảm xúc có nhận thức. “Tại sao các bạn học giỏi lại thường ít khi gây sự? Có phải các bạn ấy luôn được trời đất phù hộ, luôn có người động viên và không bao giờ có vấn đề gì trong cuộc sống? Dĩ nhiên là không phải vậy. Điều đơn giản là các bạn ấy không bị những thói quen xấu và môi trường xung quanh kiểm soát”.
Cô Tường Vy nhắn nhủ: “Các em hãy sống một cách có trách nhiệm, đừng giữ thù hận hay ác cảm, giải quyết những mâu thuẫn bằng thái độ ôn hòa. Khi mất bình tĩnh hãy hít thở thật sâu, xuống giọng khi nói… để tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè xung quanh”.
Theo giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan, đứng trước những trường hợp như bị gây rối, gây sự, các em cần học cách tạo tư thế tự tin, bản lĩnh như đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Nhìn thẳng vào đối tượng gây gổ, ức hiếp, dùng câu trả lời dứt khoát, mạnh mẽ, ngắn gọn. Tuy nhiên, bà Phương Lan cũng lưu ý, các đối tượng gây bạo lực học đường rất thích chọc ghẹo, gây gổ với những ai yếu đuối, khép nép. Do đó, các em đừng bao giờ tỏ thái độ, hành vi khiêu khích, gây sự chú ý không cần thiết từ nhóm bạn xấu. “Trong trường hợp khẩn cấp, các em cần phải kêu gọi sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè xung quanh”, bà Phương Lan nhấn mạnh.
Đỗ Hoa
Bình luận (0)