Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bạo hành học đường: Đâu chỉ có trách nhiệm của ngành GD!

Tạp Chí Giáo Dục

N sinh b bn bè đánh hi đng. Ảnh: I.T

Hàng loạt vụ bạo hành học đường từ giáo viên, phụ huynh và học sinh trong thời gian qua mà dư luận đang xôn xao như những “giọt nước tràn ly”, đã làm cho bức tranh giáo dục vốn chưa thật sáng sủa bấy lâu nay thêm phần xám xịt. Nhiều người than phiền, xã hội mất lòng tin, lắm người vin vào quá khứ để cay cú giáo dục hiện tại. Đó là những động thái phản ứng không sai, thậm chí là cần thiết. Song, cần phải bình tâm suy xét cặn kẽ, tìm hiểu mấu chốt sâu xa của vấn đề. Một khi dân số Việt Nam tăng lên rất lớn. Theo đó là số lượng trường học, giáo viên và học sinh cũng tăng lên. Rồi sự thay đổi về văn hóa, đời sống, kinh tế, xã hội Việt Nam diễn ra mạnh mẽ… Rõ ràng ngành giáo dục đang đứng trước những thách thức, những áp lực của sự phức tạp rất lớn. Vì thế, tất yếu sẽ chịu nhiều hệ lụy.

Nhiều phụ huynh bất lực, buông xuôi trong việc giáo dục con cái. Nhiều cha mẹ thiếu nhiệt tình để hỗ trợ với giáo viên, thiếu thiện chí kết hợp với trường học. Bởi nhiều lý do, sợi dây liên kết vô cùng hệ trọng giữa nhà trường và gia đình đã rạn nứt. Lòng tin cần thiết vào nhau trên đà mai một!

Xã hội đầy rẫy những cái xấu, cái phức tạp. Người lớn ít chịu làm gương. Những người hữu trách về văn hóa, phim ảnh, giải trí hùa theo tâm lý, sở thích con trẻ, thiếu những định hướng cần thiết. Mạng xã hội tràn lan những cái xấu. Con trẻ “trưởng thành” một cách tự phát, què quặt!

Rõ ràng để hình thành nên tính cách của học sinh, không chỉ có vai trò của nhà trường, mà cần có sự chung tay của gia đình và xã hội. Trong đó có sự “làm gương” của người lớn, của người đi trước. Chúng ta cứ than vãn rằng con em chúng ta hư hỏng, và khi chúng ta tìm nguyên nhân và giải pháp thì thường chỉ thấy phần “ngọn”, chưa thấy được phần “gốc rễ” sâu xa. Cha mẹ thường hay lục đục cãi vã; anh chị thường xuyên sừng sộ “mày – tao” thì con cái, em út cũng bắt chước điều xấu. Xã hội đầy rẫy những cái ác, và một khi cán cân của pháp luật chưa đủ sức mạnh kịp thời phủ rộng khắp thì nhiều khi những bài học đạo đức ở nhà trường cho học sinh trở nên lạc điệu, hoài nghi! Ngày trước khi giao lưu văn hóa còn hạn chế, “thần tượng” của tuổi trẻ thường là cha mẹ, anh chị, thầy cô, những người thành đạt hay người gần gũi với các em. Thì ngày nay, tình hình đã khác hẳn. Thật khó mà thống kê cho rõ ràng “thần tượng” của tuổi trẻ ngày nay là những gì, những ai. Không tìm đúng “thần tượng” tốt để phấn đấu, trẻ sẽ thiếu cố gắng và dễ lạc lối lầm đường!

Trường học đang bị sự “xâm lấn” quá lớn của cái xấu từ bên ngoài. Đạo học “nhất tự vi sư” và “dân chủ học đường” đang có vẻ như… chỏi nhau. Hầu hết người dạy, người học và phụ huynh đều không hề biết có Luật Giáo dục. Công việc giáo viên nặng nề, bủa vây nhiều thiếu thốn, khó khăn, rủi ro. Người dạy học thiếu vững tâm khi cầm phấn, mất niềm tin và tình yêu vào công việc. Việc đào tạo người thầy ở trường sư phạm còn nhiều bất cập!

Quả thật, ba yếu tố của “chiếc kiềng ba chân” đã không còn lành vững. Tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy lung lay! Vì vậy, giáo dục cần sự chung tay của toàn xã hội, cần phải có những giải pháp hữu hiệu tận “gốc” sâu xa. Nếu chỉ chú ý đến việc cắt phần “ngọn” thì “chồi độc” của bạo hành học đường sẽ còn cứ mãi trồi lên!

Trn Nhân Trung (TP.HCM)

 

Bình luận (0)