Mới đây, đàn ong vò vẽ tấn công khiến cả 5 bà cháu trong một gia đình thương vong, trong đó 2 người đã bị “thần chết” cướp đi tính mạng, 3 người còn lại hiện vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện do tổn thương quá nặng.
Hai cháu của bà Đ. hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM |
Trước đó, vô số vụ tai nạn thương tâm do bị ong tấn công cũng đã được cảnh báo, tuy nhiên hầu hết người dân chưa thật sự có sự đề phòng hoặc cách xử trí đúng trong trường hợp khẩn cấp dẫn đến những vụ việc đau lòng vẫn tái diễn ra.
Nhiều tai nạn thương tâm do ong
Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi là bé L.T.K (7 tuổi) và L.T.V (5 tuổi, là 2 anh em ruột, ngụ tại Bạc Liêu) được chuyển đến từ bệnh viện địa phương trong tình trạng suy đa cơ quan, nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt. Trước đó, chiều 14-8, bà T.T.Đ (92 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành Lập, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) có gọi một số người bà con đến để dọn dẹp cây cối trước cửa nhà. Trong quá trình đó, một cây to có tổ ong vò vẽ đã đổ sập xuống nhà, khiến đám ong vỡ tổ tấn công trực tiếp vào bà Đ., con gái của bà Đ. là chị N.T.H (56 tuổi), và 3 người cháu nhỏ (lớn nhất 7 tuổi, nhỏ nhất 13 tháng tuổi). Cả 5 nạn nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, sưng phù toàn thân, sau đó được người dân đưa đến cấp cứu tại bệnh viện địa phương.
Bà Đ. bị 135 con ong tấn công dẫn đến tử vong, một người cháu nhỏ nhất mới 13 tháng tuổi của bà Đ. cũng không qua khỏi. Bà H. được xác định bị 64 vết ong đốt may mắn được cấp cứu và xử trí kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch, hiện đang được điều trị lọc máu lần 3 tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Còn 2 anh em K. và V. được chuyển đến Bệnh viện nhi Cần Thơ. Tại đây 2 bé được ghi nhận toàn thân nhiều nốt ong đốt, suy gan thận nặng và nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Bác sĩ Lê Vũ Phượng Thy – Trưởng khoa Hồi sức Chống độc Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết, cả 2 bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sưng phù mặt và toàn thân, ghi nhận hơn 100 đốt cắn mỗi bé, nhiều vết sưng to hoại tử, niêm mạc nhợt, khó thở, nước tiểu đỏ, suy đa tạng, men gan tăng gần 100 lần, suy thận, rối loạn đông máu nặng. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục nhiều giờ. Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh, thoát sốc, chức năng gan, thận đang trong quá trình hồi phục và tiếp tục được theo dõi tích cực.
Trước đó, nhiều trường hợp tử vong do bị ong đốt đã được cảnh báo. Cụ thể, gần đây nhất là trường hợp của bà Lê Thị Hương (56 tuổi, ngụ ở huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Bà Hương được xác định tử vong do ong đốt vào ngày 30-7. Người thân nạn nhân kể lại, trong quá trình ra vườn để cắt buồng chuối, bà Hương không may đụng vào tổ ong ở bên dưới rồi bị cả đàn gồm hàng trăm con ong lao đến tấn công. Dù được người thân phát hiện và đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cấp cứu ngay lập tức, tuy nhiên sau 1 ngày điều trị bệnh nhân đã không qua khỏi. Trước nạn nhân Hương là trường hợp đau lòng của ông Nguyễn Đình Tuyến (51 tuổi, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), cũng bị tử vong do bị ong tấn công trong quá trình lấy mật.
Thiếu kỹ năng và cách phòng vệ
Theo các bác sĩ, mùa hè là thời điểm tai nạn do ong đốt gia tăng, mỗi năm đều xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng. Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều, tuy nhiên trên thực tế đa số người dân vẫn còn thiếu các kỹ năng phòng ngừa, phòng vệ và kỹ năng sơ cấp cứu khi không may bị ong tấn công, từ đó khiến những thương vong vẫn tái diễn ra, đặc biệt là ở khu vực dân cư thưa thớt nhưng cây cối rậm rạp.
Nên đưa người bị đốt tới cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, cần chú ý gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu sau: khó thở; sưng môi hoặc họng; ngất xỉu; choáng váng; rối loạn tri giác; nhịp tim nhanh; phát ban; buồn nôn, chuột rút, nôn để được cấp cứu kịp thời. |
Về biện pháp phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần lưu ý tránh tiếp xúc với ong, không kích động trêu chọc hoặc chọc phá tổ ong nếu không cần thiết hoặc thấy không an toàn; không làm tổn thương ong bởi lúc này ong sẽ tiết ra chất báo động cả đàn ong bay đến. Khi ong bay đến, không chạy, nên đứng hoặc ngồi im không cử động. Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi ong vào nhà làm tổ cần phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây. Đặc biệt lưu ý, trước khi phá tổ ong cần sơ tán những người xung quanh, và đảm bảo an toàn cho bản thân bằng những biện pháp phòng ngừa như mặc đồ bảo hộ chắc chắn, có đội mũ nón cứng và màng che mặt… Khi ong bay đến, có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi.
Trong trường hợp bị ong đốt, cần có biện pháp sơ cứu kịp thời. Trước hết, cần nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong; đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ; tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể. Sau đó, cần xác định được loại côn trùng đốt bằng những đặc điểm của kim, túi nọc độc để lại ở vị trí đốt và biểu hiện của người bị nạn để xác định được mức độ tổn thương, từ đó có cách xử trí kịp thời, hợp lý. Theo các chuyên gia y tế, người bị ong đốt có 4 mức độ tổn thương: mức độ I, bệnh nhân bị phản ứng tại vị trí đốt; mức độ II, bệnh nhân bị phù mạch vành, hoặc mày đay toàn thân; mức độ III, bệnh nhân bị co thắt phế quản; mức độ IV, bệnh nhân bị sốc phản vệ, hạ huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan.
Đối với những trường hợp nhẹ (mức độ I, mức độ II), cần giúp nạn nhân khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra; tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể; rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước ấm; sau đó chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố; Bôi kem làm giảm đau, giảm ngứa có các thành phần như hydrocortisone, lidocaine, pramoxin giúp làm giảm đau. Các loại kem khác như nước xịt calamine hoặc các sản phẩm chứa chất keo bột yến mạch hoặc bột baking soda giúp giảm ngứa.
Bài, ảnh: Nhã Nam
Bình luận (0)