Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Có nơi hơn 70% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có gần 30% học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, có những tỉnh con số này là hơn 40%, thậm chí là gần 71%…
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học tại TP.HCM bằng học bạ sáng 9.5  /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học tại TP.HCM bằng học bạ sáng 9.5. Ảnh ĐÀO NGỌC THẠCH
Xu hướng ngày càng tăng
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có hơn 886.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Trong số này, 279.001 TS dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT (chiếm khoảng 27,8%).
Ông Hoàng Đức Minh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu, cho biết: Chưa năm nào số lượng học sinh (HS) lớp 12 của tỉnh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp lại nhiều như năm nay, lên tới 70,66%.
Tỷ lệ này ở một số tỉnh miền núi phía bắc như Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai… cũng ở mức hơn 50% trở lên. Sở GD-ĐT Lào Cai cho hay chỉ có gần 40% HS tốt nghiệp THPT học tiếp lên ĐH, CĐ; trên 50% còn lại đi làm phổ thông hoặc học nghề ngắn hạn. Dự kiến năm 2020, Lào Cai phấn đấu có 20% HS học ĐH, 70% học nghề (CĐ, TC); 10% tốt nghiệp THPT được bồi dưỡng, học các chương trình đào tạo ngắn hạn.
Một số nơi được xem là “đất học” như tỉnh Nghệ An, năm nay cũng có hơn 13.000 HS thi để xét tốt nghiệp, chiếm 41%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong vài năm trở lại đây. Bắc Giang cũng có hơn 8.000 HS đăng ký thi để xét công nhận tốt nghiệp, chiếm 41,1%.
Trường THPT tư thục Lê Hồng Phong (Bà Rịa-Vũng Tàu) năm nay có 292 HS lớp 12, trong đó số TS đăng ký xét ĐH và CĐ chỉ có 139 người. Như vậy, số TS đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp gần 53%. Ông Mai Xuân Đồng, Hiệu trưởng trường này, cho biết số lượng HS dự thi nhưng không xét tuyển ĐH tăng lên nhiều so với trước đây. Đáng chú ý, số người tham gia xét tuyển ĐH hầu hết đều lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, ngược lại TS chọn bài thi khoa học xã hội chủ yếu chỉ thi để xét tốt nghiệp.
Lựa chọn xét tuyển vào đại học bằng học bạ
Ông Mai Xuân Đồng nhìn nhận: “Sở dĩ có tình trạng trên là do TS có những lựa chọn xét tuyển phù hợp với lực học bản thân. Các em nhận thấy khả năng “chen chân” vào các trường ĐH tốp từ trung bình trở lên bằng kết quả thi này là không dễ nên chọn cách đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào các trường tốp dưới”.
Điều này cũng được thấy rõ qua kết quả xét tuyển ĐH năm ngoái khi đa số HS trường này trúng tuyển vào các trường ĐH ngoài công lập bằng phương thức xét học bạ.
Về xu hướng HS quan tâm đến phương thức xét tuyển vào ĐH bằng học bạ, ông Phan Công Triều, Hiệu trưởng Trường THPT Đốc Binh Kiều (Tiền Giang), thông tin tới thời điểm này số lượng HS của trường ký giấy xác nhận để làm hồ sơ xét tuyển học bạ đã lên tới 10%. So với tỷ lệ 4% của năm ngoái, con số này đã tăng nhiều trong năm nay. Tới giai đoạn sau khi biết kết quả thi, số lượng TS tham gia xét tuyển bằng học bạ sẽ tiếp tục tăng.
Sở dĩ có tình trạng trên là do TS có những lựa chọn xét tuyển phù hợp với lực học bản thân. Các em nhận thấy khả năng “chen chân” vào các trường ĐH tốp từ trung bình trở lên bằng kết quả thi này là không dễ nên chọn cách đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào các trường tốp dưới
Ông Mai Xuân Đồng (Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Lê Hồng Phong -Bà Rịa-Vũng Tàu)

Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh), cho rằng Bộ GD-ĐT nên có quy định chỉ tiêu tối đa với hình thức xét tuyển bằng học bạ với các trường. Không nên tuyển quá nhiều bằng học bạ mà thay vào đó nên kết hợp giữa kết quả thi THPT quốc gia với điểm kỳ thi năng lực do các trường tự tổ chức để chọn được TS chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), cũng cho rằng hiện nay có nhiều con đường để vào ĐH, trong đó kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một cách. Thống kê của Bộ cho thấy nhiều TS không sử dụng kết quả thi này để xét tuyển không có nghĩa rằng các TS không muốn học ĐH mà có thể sử dụng các phương thức khác như xét học bạ, thi năng lực…

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tư thục tại TP.HCM có ý kiến rằng xu hướng lựa chọn này khá hợp lý khi mà tình trạng nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm. “Khi nguồn nhân lực vận hành đúng quy luật thị trường thì việc nhiều người không muốn học ĐH tăng trong bối cảnh “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay là tất yếu”, hiệu trưởng này nói. (còn tiếp)

Hà Ánh – Tuệ Nguyễn/TNO

 

Bình luận (0)