Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Muốn hiểu trẻ, hãy lên mạng xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều phụ huynh và thầy cô giáo thường phàn nàn vì cảm thấy khó khăn trong việc bắt nhịp với suy nghĩ của trẻ hôm nay. Phụ huynh và thầy cô cho rằng khoảng cách thế hệ chính là nguyên nhân của sự xa cách trong cách nghĩ, quan sát và đánh giá vấn đề giữa người lớn và trẻ. Quả thực, do tuổi tác và môi trường trải nghiệm xung quanh khác nhau mà giữa người lớn và trẻ chắc chắn có sự khác biệt về tâm lý, suy nghĩ và hành động. Nhưng lẽ nào, không có giải pháp để kéo gần khoảng cách đó?

Một trong những kênh thông tin để thầy cô và phụ huynh có thể cảm nhận, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, cảm xúc của trẻ chính là mạng xã hội. Có một sự thật mà chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận là công nghệ đang hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, kể cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Và mạng xã hội đã, đang dần trở thành một phần đời sống của chúng ta. Thế hệ trẻ lại càng có sự gắn bó mật thiết với mạng xã hội. Dù muốn dù không, mạng xã hội phần nào phản ánh đời sống của những chủ thể sử dụng. Trẻ nhỏ cũng không ngoại lệ. Thông qua mạng xã hội, người lớn có thể dễ dàng mở ra những nút thắt khó hiểu về cuộc sống của trẻ, có thể “đọc” được tâm trạng, tâm lý của trẻ. Thông qua mạng xã hội, chúng ta biết bạn bè của trẻ là những ai, là người như thế nào? Thông qua mạng xã hội, chúng ta biết trẻ quan tâm những điều gì, quan điểm của trẻ ra sao về những vấn đề đó? Thông qua mạng xã hội, chúng ta biết cách sử dụng ngôn từ, cách diễn đạt của trẻ… Nhưng biết rồi thì chúng ta sẽ làm gì tiếp theo?

Ở đây, có hai trường hợp xảy ra. Sẽ thật tốt và thật dễ dàng nếu trên mạng xã hội, tài khoản của trẻ là một tài khoản thể hiện lối sống lành mạnh, có trách nhiệm, có sự tích cực. Chúng ta chỉ việc khuyến khích, động viên trẻ phát huy, đồng thời tranh thủ tìm hiểu thêm về trẻ để giảm dần khoảng cách giữa hai bên. Song, ở trường hợp thứ hai, nếu chúng ta thấy được những tín hiệu không tốt, chưa tốt trong việc trẻ sử dụng mạng xã hội, chúng ta cần sự bình tâm để giải quyết vấn đề. Tránh tạo ra những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, quát nạt trẻ. Cách phản ứng này chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách giữa phụ huynh, thầy cô và trẻ. Thay vào đó, hãy mềm dẻo để tìm đến tiếng nói chung của cả hai bên. Do đặc tính lứa tuổi, trẻ sẽ phản ứng mạnh mẽ khi gặp phải sự kiểm soát của người lớn, trẻ cảm thấy sự riêng tư, sự tự do bị siết chặt. Phụ huynh và thầy cô hãy khéo léo để lắng nghe trẻ, hướng dẫn trẻ đi đúng đường.

Đừng có thái độ quá cực đoan với việc trẻ sử dụng mạng xã hội. Thay vào đó, thầy cô và phụ huynh hãy tìm cách làm bạn cùng trẻ trên mạng xã hội. Tin rằng, bằng sự quan tâm và chân thành, người lớn có thể cùng trẻ trưởng thành từng ngày theo hướng tích cực.

Trn Xuân Tiến

 

Bình luận (0)