Chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng Đức cảnh báo Đức khó chống chọi với mùa đông nếu không có khí đốt Nga qua Nord Stream.
Đường ống Nord Stream chạy dưới biển Baltic dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.
Dự trữ khí đốt của Đức không đủ để đất nước đi qua mùa đông tới nếu không mua thêm khí đốt của Nga – Klaus Muller, chủ tịch cơ quan phụ trách mạng lưới điện và khí đốt của Đức nói với truyền thông.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag của Đức hôm 17.7, Klaus Muller cảnh báo rằng mặc dù "các kho dự trữ khí đốt đã được nạp đầy 65%" và “cao hơn so với những tuần trước" nhưng vẫn chưa đủ để "vượt qua mùa đông nếu không có khí đốt Nga”.
Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức nói thêm rằng tình hình hiện tại phụ thuộc nhiều vào việc bảo trì đường ống dẫn khí Nord Stream có kết thúc như dự kiến vào ngày 21.7 hay không.
Khi được hỏi bao lâu nữa Đức sẽ tăng giá năng lượng trong trường hợp việc cung cấp khí đốt của Nga bị ngừng hoàn toàn, Muller cho biết vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Tuy nhiên, ông cam đoan rằng “không có bất kỳ sự tăng giá đáng kể nào trong tuần này, ngay cả khi Nord Stream ngừng hoạt động”. Theo quan chức này, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy "các thị trường đã nội bộ hóa việc mất nguồn cung cấp khí đốt của Nga”.
Nga đóng cửa đường ống Nord Stream từ ngày 11 đến 21.7.2022 để bảo trì thường niên.
Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang trấn an người Đức “không nên quá hoảng sợ”, đảm bảo rằng “các hộ gia đình tư nhân có ít lý do nhất để lo lắng” và sẽ được cung cấp khí đốt lâu hơn nhiều so với ngành công nghiệp.
Hơn nữa, theo quan chức này, "không có kịch bản nào mà hoàn toàn không có khí đốt”. Ông Muller lưu ý, ngay cả khi Nga cắt giảm hoàn toàn nguồn cung, các quốc gia khác như Na Uy, Hà Lan và Bỉ vẫn sẽ bán nhiên liệu hóa thạch cho Đức. Trong tương lai, nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Đức cũng sẽ tạo ra sự khác biệt.
Muller cho biết, nếu phải phân phối khí đốt, cơ quan này sẽ cân nhắc thiệt hại tiềm tàng đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng từ việc ngừng cung cấp cho bất kỳ doanh nghiệp hoặc nhà máy công nghiệp cụ thể nào.
Quan chức này tiếp tục tuyên bố, ngay cả khi thiếu hụt cũng có thể chỉ ảnh hưởng đến các khu vực nằm ở cuối mạng lưới khí đốt.
Muller bác bỏ đề xuất rằng Berlin nên cấm bất kỳ hoạt động xuất khẩu khí đốt nào sang các nước Châu Âu láng giềng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết.
“Giống như hiện nay chúng tôi đang hưởng lợi từ các cảng khí tự nhiên hóa lỏng ở Bỉ và Hà Lan, nên Đức sẽ giúp các nước láng giềng nếu họ đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng” – quan chức này cam kết.
Muller dự đoán rằng Đức có hai mùa đông khó khăn phía trước với nguy cơ thiếu khí đốt, nhưng đến mùa hè năm 2024, nước này sẽ độc lập khỏi khí đốt Nga.
“Tuy nhiên, có điều là giá khí đốt sẽ không bao giờ thấp như trước nữa” – Muller thừa nhận.
Dự trữ khí đốt ở Đức hiện mới đạt 65%.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến sự ở Ukraina, giá khí đốt ở Châu Âu đã tăng vọt, đạt mức cao nhất mọi thời đại là hơn 3.600 USD/1.000 mét khối vào đầu tháng 3.
Trong khi Ukraina và một số quốc gia Đông Âu khác, bao gồm Ba Lan, kêu gọi EU cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, Brussels cho đến nay chưa thực hiện biện pháp này do thiếu sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên.
Các quan chức chính phủ Đức và đại diện ngành công nghiệp đã nhiều lần cảnh báo rằng việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế.
Vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đã kích hoạt giai đoạn hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn của Đức, trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream, đổ lỗi cho việc thiếu tuabin, bị kẹt ở Canada do các lệnh trừng phạt.
Từ ngày 11 đến 21.7, Nga cắt hoàn toàn khí đốt qua Nord Stream để bảo trì đường ống theo kế hoạch thường niên.
Cũng trong tuần qua, Đức đã yêu cầu Canada miễn trừ trừng phạt tuabin khí của Nord Stream – phần thiết bị được Nga viện dẫn là lý do giảm nguồn cung cấp.
Canada chấp nhận yêu cầu của Đức và sẽ vận chuyển tuabin tới Đức, từ đó nó sẽ được chuyển đến Nga, cho phép Ottawa tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của chính mình bằng cách sử dụng con đường vận chuyển gián tiếp.
Trong khi đó, ngày 15.7, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã chính thức yêu cầu tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức cung cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết để trả lại thiết bị cho Nga.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)