Với việc bùng nổ thông tin như hiện nay, việc ra đề dạng mở gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn khi lựa chọn, cân nhắc ngữ liệu để làm đề. Nhiều đề văn (THCS và THPT) gây tiếng vang lớn, thể hiện sự tìm tòi, lựa chọn ngữ liệu đúng chuẩn, “đánh” trúng tâm lý của học sinh. Những đề văn như thế gây hứng thú cho học sinh làm bài đồng thời là dịp để các em tự bộc lộ mình qua việc cảm nhận vấn đề được nêu ra trong đề.
Tuy nhiên, việc ra đề cho học sinh “hóa thân Chi Pu” có những điều chưa ổn. Đó chỉ là một nhân vật chưa nổi trội, hơn nữa việc cho câu hỏi chưa mang tính giáo dục học sinh; chưa định hướng cho học sinh về nhận thức vấn đề. Đâu phải em nào cũng đón xem những chương trình của nhân vật này hoặc không để ý tới những phát ngôn của cô… Vì vậy, phụ huynh lên tiếng phàn nàn việc ra đề như trên là đúng; cần giải đáp thỏa đáng giữa lý và tình, giữa chuyên môn trong nhà trường và sự gắn kết xã hội để mọi người yên tâm.
Đề văn yêu cầu học sinh “hóa thân”, tức là nhập vào nhân vật để bày tỏ ý kiến của mình. Đây là một yêu cầu khá cao so với nhận thức của học sinh lớp 10 (khoảng 16 tuổi). Do đó, cần xem lại tính khoa học, tính vừa sức trong một đề văn đã đáp ứng được chưa? Trên báo chí, trên mạng xã hội có rất nhiều câu chuyện, nhiều tình huống vừa mang tính thời sự vừa có tính giáo dục cao. Việc giáo dục cũng hướng tới cái cao cả, cái đẹp của tâm hồn con người, của vạn vật xung quanh. Cần có sự lựa chọn, đối chiếu, so sánh sau đó cân nhắc nên đưa vấn đề gì vào, nên bỏ vấn đề gì ra… Từ đó, chúng ta mới có một đề văn hoàn chỉnh; vừa khơi gợi, hấp dẫn học sinh; vừa “gãi đúng chỗ ngứa” để các em bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình.
Ra đề mở là một xu hướng tích cực, góp phần mềm hóa đề thi. Đó cũng là giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc ra đề; không nhất thiết phải theo lối mòn để sao cho an toàn. Nhưng giáo viên cũng luôn tự nâng cao kiến thức; tự rèn bản lĩnh ra đề của mình, không để cái dễ dãi, hời hợt chi phối mà phải tỉnh táo, sáng suốt để nhận ra “vàng” giữa “rừng thau” lẫn lộn.
Về đề văn “hóa thân Chi Pu”, theo tôi cũng chỉ là “tai nạn nghề nghiệp”; chúng ta cần rộng lượng, không nói những lời chỉ trích mà cần ghi nhận sự chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong cách ra đề của giáo viên.
Lê Lam Hồng
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)