Thực tế có giáo viên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu kỹ năng sư phạm… Điều này dẫn đến hệ quả là khó nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Thầy và trò Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Q.12 trong giờ thực hành |
Đề cập đến chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy nghề trong thời gian qua, lãnh đạo một trường TC tại TP.HCM thẳng thắn cho biết: “Nhiều người trình độ chuyên môn không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, bị doanh nghiệp loại ra nhưng bằng nhiều cách lại xin đi dạy. Thậm chí có người trở thành giáo viên từ… tay ngang, sau đó tham gia vài khóa học để hợp thức hóa. Muốn trò giỏi thì trước hết thầy phải giỏi, trong khi thầy như thế thì trò giỏi sao được?”.
Trước yêu cầu mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 29 của Hội nghị TW 8 khóa XI đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và tiến bộ của khoa học công nghệ. ThS. Trần Thị Thu Hiền (Phó trưởng Khoa cơ khí chế tạo Trường CĐ Nghề TP.HCM) cho rằng để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bản thân người giáo viên phải nỗ lực không ngừng, cố gắng cập nhật kiến thức mới. Trong khi đó, thầy Nguyễn Duy Phú (Khoa công nghệ tự động Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) khẳng định, người giáo viên không chỉ cập nhật kiến thức chuyên môn mà còn tiếp cận với các trang thiết bị hiện đại tại doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giờ thực hành cho học sinh, sinh viên. Còn ông Nguyễn Chí Dũng (Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật và Nghiệp vụ Nam Sài Gòn) cho biết việc công khai chuẩn đầu ra của tất cả các ngành nghề đào tạo cũng là cách để nâng cao chất lượng đào tạo cả thầy lẫn trò.
Trong khi đó, ông Cao Văn Sâm (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) nhìn nhận, thực tế một số trường ồ ạt mở ngành mới nhưng đội ngũ giáo viên thì không đảm bảo. Theo đó, trường thuê mướn giáo viên bên ngoài thiếu kỹ năng sư phạm, trình độ chuyên môn thì hạn chế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển sinh ở trường nghề. Do đó, ông đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng đề án, lộ trình cụ thể trước khi mở ngành, không chạy đua để rồi bỏ bê chất lượng.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải tiến hành một cuộc “cách mạng”, phải thật sự đổi mới và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Đây được xem là một thách thức, đồng thời là cơ hội lớn cho phát triển nhân lực, giáo dục nghề nghiệp. Để cuộc “cách mạng” này thành công, trước hết hãy tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên về số lượng lẫn chất lượng”, ông Lê Hiếu Giang (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) khẳng định. |
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết: “Xác định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, TP đã đề ra mục tiêu của hệ giáo dục này là đào tạo phải gắn với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, tập trung những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của TP. Thực hiện mục tiêu đó, TP luôn quan tâm đầu tư, chăm lo cho công tác giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng nên đã đạt được những kết quả tích cực”.
Có thể thấy, hiện nay điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp; chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo có nhiều đổi mới, mục tiêu đào tạo gắn với thị trường lao động, nhu cầu xã hội; đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hóa. Các chương trình, dự án nhằm đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên của TP nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề được chú trọng và đầu tư mà điển hình là Dự án đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy nghề.
T.Anh
Bình luận (0)