TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ về kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu với các em HS |
Sáng 19-12, tại Trường Trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM) đã diễn ra chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của ĐH FPT và ĐH Tân Tạo.
Trao đổi với các em học sinh, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghiệp TP.HCM) cho biết để chuẩn bị hội nhập nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các bạn trẻ cần xây dựng cho mình các kỹ năng: hợp tác và tương tác với máy móc; giao tiếp và truyền thông (biết cách trình bày chia sẻ bằng ngoại ngữ); năng lực sáng tạo, luôn thay đổi chấp nhận cái mới; năng lực tư duy phản biện, luôn đặt vấn đề và phản biện lại; cuối cùng là học tập suốt đời. Trong khi đó, ThS. Lê Bình Trung (Trưởng ban Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH FPT) cho rằng Việt Nam là vùng trũng về công nghệ vi sinh, vật liệu mới và là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển CNTT, viễn thông. Vì vậy, để hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành công dân toàn cầu, ngay từ bây giờ các em học sinh phải xác định cho mình hướng đi đúng trong chọn lựa ngành học. Theo đó, chuyên ngành tốt nhất mà các em có thể tiếp cận là kỹ thuật phần mềm và an toàn thông tin. Đây là các chuyên ngành đang phát triển mạnh và là điều kiện để hội nhập. Ông Trung cho biết: “Từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần đến 2.000 kỹ sư chuyên ngành an toàn thông tin, đây là cơ hội để các em phát huy năng lực, sở thích của mình. Ngoại ngữ là cánh tay nối dài của việc tự học, bên cạnh sự trải nghiệm thực tế và tính xung kích, sẵn sàng dấn thân… sẽ là những hành trang giúp các em tự tin bước ra thế giới, thể hiện mình ở bất cứ môi trường làm việc nào”.
Đề cập đến khái niệm công dân toàn cầu, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho rằng không phải làm việc và học tập ở nước ngoài thì mới là công dân toàn cầu mà bản thân mỗi người có thể thích ứng, có khả năng kết nối thế giới lại gần nhau. Tại Việt Nam hiện có 366 mã ngành phục vụ 40.000 công việc khác nhau, khi chọn ngành học phải đặc biệt chú ý yêu cầu đổi mới của mỗi chuyên ngành để có thái độ học tập, rèn luyện đáp ứng yêu cầu của xã hội. “Ngoại ngữ và CNTT như hai vai đeo của ba lô, nếu lệch một bên thì không dễ mang nó”, ông Cường đúc kết.
Tại chương trình, các chuyên gia cũng khuyên học sinh nên đi du học nếu có đủ các điều kiện, bởi môi trường học tập, trải nghiệm thực tế sẽ giúp các em trưởng thành và đặc biệt là học được nhiều kỹ năng hơn.
Trần An
Bình luận (0)