Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều trường ĐH chỉnh lại đề án tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Đến cuối ngày 14.9, so với đề án tuyển sinh đã công bố, thông tin tuyển sinh nhiều trường đã chỉnh lại hướng tăng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi THPT do TS nhập học các phương thức khác không đạt như dự kiến.
Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường đại học ở TP.HCM  /// Khả Hòa
Thí sinh và phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường đại học ở TP.HCM. KHẢ HÒA
Năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tuyển sinh theo 5 phương thức. Theo đề án ban đầu, trường xác định khoảng chỉ tiêu dao động từ 45 – 65% cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Đến ngày 15.9, trừ đi số TS đã xác nhận nhập học các phương thức khác, trường này còn khoảng 85% tổng chỉ tiêu cho xét điểm thi (còn lại 2.854 chỉ tiêu trên tổng số 3.349). Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, những ngành thu hút sự quan tâm của nhiều TS, chỉ tiêu xét tuyển còn lại ít nhất 80%. Một số ngành, chỉ tiêu còn lại lên tới 100% như: triết học, nhân học, tôn giáo học, thông tin – thư viện…
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường đã tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu, còn lại cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp khoảng 40% tổng chỉ tiêu (khoảng 2.200 TS), tăng từ 10 – 30% so với đề án tuyển sinh ban đầu.
Một số trường khác cũng điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét điểm kỳ thi THPT so với đề án ban đầu. Chẳng hạn, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM còn gần 80% chỉ tiêu, tương đương 1.236 TS xét điểm thi. Trường ĐH Mở TP.HCM còn 70% xét điểm thi tốt nghiệp thay vì 30% như trước đó. Trường ĐH Tài chính – Marketing còn khoảng 60% tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển điểm thi (tương đương 2.800 TS), Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng còn khoảng 70% chỉ tiêu cho phương thức này…
Cùng với việc điều chỉnh chỉ tiêu, các trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức kỳ thi THPT. Trong đó, hầu hết các ngành lấy điểm sàn trong khoảng 18 – 20 điểm.
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, một số ngành điểm tối thiểu nhận hồ sơ ở mức 20 như: ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, tâm lý học, quan hệ quốc tế, báo chí, truyền thông đa phương tiện, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Các ngành còn lại, điểm sàn ở mức 18.
“Điểm sàn này được xác định khá sát với điểm chuẩn trúng tuyển. Dự báo điểm chuẩn có ngành sẽ ở mức tương đương điểm sàn, có ngành có thể cao hơn sàn từ 1 – 1,5 điểm”, ông Hạ nhận định.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng chính thức thông báo điều chỉnh điểm nhận hồ sơ xét điểm thi tốt nghiệp. Theo đó, điểm sàn cho tất cả các ngành và các tổ hợp xét tuyển là 19, tăng 2 điểm so với đề án tuyển sinh ban đầu. PGS-TS Vũ Đức Lung, Chủ tịch hội đồng trường, cho biết điểm chuẩn trúng tuyển ngành thấp nhất có thể tương đương hoặc cao hơn một vài điểm. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất có thể cao hơn điểm sàn 6 – 7 điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật, cũng cho biết chỉ tiêu còn lại trường xét điểm thi tốt nghiệp là 60% (khoảng trên 1.200 TS). “Điểm sàn nhận hồ sơ chung cho các ngành là 19. Dự kiến điểm chuẩn năm nay có thể bằng hoặc cao hơn năm ngoái, trong đó ngành cao nhất có thể hơn từ 0,5 – 2 điểm”, tiến sĩ Trọng chia sẻ.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng công bố mức nhận hồ sơ cho các ngành chương trình đại trà 19, các ngành chất lượng cao và tiên tiến 18 điểm. Chỉ tiêu còn lại cho phương thức điểm thi tốt nghiệp khoảng 60%, tương đương khoảng 3.000 TS.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)