Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ám ảnh kẹt xe nút thắt cầu Nguyễn Tri Phương – Chánh Hưng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ nhiều năm nay, người dân TP.HCM mỗi khi đi từ cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5) đến cầu Chánh Hưng (quận 8) và ngược lại đều vô cùng ngán ngẩm cảnh kẹt xe "như cơm bữa" tại đây.

Ùn tắc "như cơm bữa"

Theo ghi nhận, hễ vào giờ cao điểm, hàng ngàn xe đổ dồn từ phía cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Chánh Hưng và ngược lại, gây ùn tắc kéo dài. Dòng ôtô, xe máy ken đặc gần 1km ngay trước ngã tư đèn đỏ tại chân cầu Chánh Hưng. Các tuyến đường Hưng Phú, Chánh Hưng, Ba Đình… cũng đông ngẹt người.

Phía chân cầu Nguyễn Tri Phương sang quận 8, lượng xe máy đông đặc, trong khi đó, hàng chục ôtô cố gắng chen ra phía giữa cầu khiến tình trạng kẹt xe càng trở nên nghiêm trọng. 

Ngược lại, phía trên cầu phía quận 5 xe cộ lại di chuyển khá thông thoáng.

Hàng ngàn phương tiện chen chúc, kẹt cứng tại ngã tư ngay dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương và Chánh Hưng Q.8 – Ảnh: NAM TRẦN

Tương tự, theo chiều ngược lại, từ chân cầu Chánh Hưng sang phía Quận 8, hàng trăm xe cùng nối đuôi trên cầu chờ đèn đỏ.

Chị Nguyễn Huỳnh Thiên Lý – một người thường xuyên qua lại đoạn đường này cho biết, ngày nào đi làm cũng mệt mỏi với cảnh kẹt xe kéo dài. Sáng thì hướng quận 8 đổ về quận 5 còn chiều thì ngược lại. 

Chỉ một đoạn đường ngắn như vậy nhưng phải đi mất từ 20-30 phút. Thậm chí, những ngày trời mưa, ngập nước, người dân mất cả tiếng đồng hồ chờ đợi để đi qua đoạn đường này.

Bất kể sáng hay chiều, thậm chí là trưa nơi đây luôn là điểm nóng của kẹt xe – Ảnh: NAM TRẦN

Bất hợp lý với đèn đỏ ngay chân cầu

Bà Nguyễn Thị Nga, 54 tuổi, nhà ngay chân cầu vượt Nguyễn Tri Phương cho biết việc đặt đèn đỏ ngay chân cầu Chánh Hưng là không hợp lý, khiến cảnh kẹt càng thêm kẹt, nhiều lần còn xảy ra tai nạn do phương tiện đột ngột bị chặn đứng khi từ trên cầu xuống.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – người dân sống ở Quận cho biết đã chứng kiến cảnh kẹt xe này từ nhiều năm nay. Mặc dù, chính quyền đã thực hiện dự án mở rộng cầu Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên, sau khi các nhánh cầu được thông xe thì vẫn không giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông mà còn nghiêm trọng hơn.

Ông Vĩnh cũng đề xuất TP khẩn trương làm nhánh đường bọc gầm cầu Nguyền Tri Phương (phía đường Ba Đình, quận 8) để xe lưu thông nhánh này ra đường Hưng Phú sẽ giảm được lượng xe rẽ trái tại ngã tư đường Chánh Hưng – Hưng Phú. Nếu làm được như vậy sẽ giảm thiểu nạn kẹt xe tại cầu Chánh Hưng.

Nhiều người dân cũng cho biết chỉ cần xây một cây cầu vượt từ cầu Chánh Hưng tới cầu Nguyễn Tri Phương sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe khu vực nút thắt này.

Đoạn đường nối hai cầu Nguyễn Tri Phương và Chánh Hưng dài khoảng 400m, nhỏ hẹp rồi còn có đèn xanh đèn đỏ nằm giữa. Việc mở rộng cầu Nguyễn Tri Phương sẽ bằng thừa khi không mở rộng đoạn đường này lẫn việc bỏ đèn xanh đèn đỏ – Ảnh: NAM TRẦN

Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, việc mở rộng cầu Nguyễn Tri Phương nhằm giải quyết điểm ùn tắc ở khu vực cầu Chánh Hưng, đường Hưng Phú, cầu Nguyễn Tri Phương và ngã tư đường Trần Hưng Đạo…

Hiện nay, công trình này vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành, các đơn vị vẫn đang tiếp tục thi công. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Sau khi toàn bộ dự án hoàn chỉnh, Trung tâm sẽ có kế hoạch phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý để giải quyết vấn đề kẹt xe, ùn tắc, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.

Cũng theo ông Triết, hiện nay, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã thực hiện cấm ôtô rẽ trái từ cầu Chánh Hưng và đường Nguyễn Tri Phương vào đường Hưng Phú để giảm bớt ôtô đi lại vào khu vực này.

Phía cầu Nguyễn Tri Phương rộng và khá thông thoáng còn lại mới được mở rộng thêm hai làn xe. Tuy nhiên việc mở rộng này không giúp cải thiện tình trạng kẹt xe mà còn gây nên hiện tượng tắc cổ chai, kẹt càng thêm kẹt – Ảnh: NAM TRẦN

Sở GTVT TP và Trung tâm hầm cũng đang thực hiện việc mở rộng mặt đường dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương, đoạn từ đường Ba Đình đến đường Hưng Phú. 

Theo đó, dải phân cách giữa đường bên hông và đường xuống cầu sẽ được tháo dỡ, di dời các trụ điện và mở mặt đường ra sát vỉa hè hiện hữu… Điều này sẽ góp phần mở rộng mặt đường cho xe đi lại, góp phần giảm kẹt xe hiệu quả.

Ông Ngô Hải Đường (Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết sau khi các đơn vị hoàn thành tất cả các hạng mục công trình mở rộng cầu Nguyễn Tri Phương, Sở GTVT sẽ nghiên cứu tổng thể tình hình giao thông tại khu vực này. 

Từ đó, TP có kế hoạch phân luồng giao thông, bố trí biển báo giao thông phù hợp.

Cảnh hỗn loạn thường thấy dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương và Chánh Hưng – Ảnh: NAM TRẦN

THU DUNG/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)