Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Dạy con chơi đẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ nào cũng muốn con 'chơi đẹp', biết hợp tác với bạn bè. Nhưng phải dạy con thế nào để chúng biết hợp tác?

Dạy con chơi đẹp - Ảnh 1.

Trẻ em ở TP.HCM chơi đùa tại khu vui chơi thiếu nhi – Ảnh: Q.L.

Hợp tác là biết chung sức làm việc, biết giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động, biết chia sẻ và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm cùng với nhóm, với tập thể trong vui chơi, học tập và kể cả lao động. 

Vì thế, được dạy tinh thần hợp tác sẽ giúp trẻ học cách tự tin làm việc với bạn bè, biết chia sẻ cảm thông với nhau và là cở sở vững chắc để trẻ thành công trong quá trình hòa nhập vào cuộc sống.

Hợp tác quan trọng như thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có được kỹ năng này, do đó cha mẹ cần quan tâm và hình thành cho con tính hợp tác. 

Khoảng 3 tuổi trở lên, trẻ bắt đầu biết cách tương tác giao tiếp xã hội đơn giản, chớm biết theo lần lượt và đối đáp lại với người khác. Đây là cơ sở tâm sinh lý để bước đầu dạy trẻ tinh thần hợp tác.

Hướng dẫn trẻ biết quan tâm đến người khác: Khi trẻ chưa muốn hợp tác hay chia sẻ với bạn bè, cha mẹ hãy nhẹ nhàng dạy trẻ "hãy đặt mình vào vị trí của bạn rồi nói lên cảm nhận của mình". 

Chẳng hạn: "Nếu con có nhiều đồ chơi, nhưng không muốn bạn Hải chơi cùng, bạn ấy sẽ rất buồn và bỏ đi, đó là điều con không muốn chút nào phải không?". 

Đặt vào vị trí của bạn, thấu hiểu những suy nghĩ và mong muốn của bạn là cách giúp trẻ thay đổi suy nghĩ và cách ứng xử, biết quan tâm và tìm hiểu xem bạn bè cảm thấy thế nào khi không được hợp tác. 

Từ đó, trẻ sẽ biết lựa chọn cách xử lý phù hợp để xây dựng các mối quan hệ cho bản thân.

Nói với trẻ mong muốn của mình về tinh thần hợp tác: Nói rõ với con rằng cha mẹ rất mong con biết chơi theo lượt và hợp tác với bạn bè. 

"Con biết rồi đó, nếu biết hợp tác và chia sẻ thì trò chơi càng thêm vui, mẹ muốn con biết quan tâm đến bạn bè". Những câu nói chân thành như thế sẽ nuôi dưỡng tinh thần hợp tác ở trẻ.

Nhấn mạnh giá trị của việc hợp tác: Hãy giải thích cho trẻ biết rằng nếu biết hợp tác, bé sẽ tạo ấn tượng sâu sắc với bạn bè: "Con có biết vì sao bạn Hải thích đến nhà mình không? Vì con đã biết chia sẻ, hợp tác với bạn trong khi chơi". 

Hiểu điều này, trẻ sẽ luôn thể hiện thái độ thân thiện, hợp tác để làm hài lòng các bạn mình. 

Bạn cũng phân tích cho trẻ nghe nếu chỉ có 1 mình, trẻ sẽ làm việc/học tập không hiệu quả bằng, còn nếu chơi một mình thì rõ ràng quá chán. Quan trọng hơn là không ai yêu quý một người mà chẳng biết hợp tác, chia sẻ với ai. 

Thông thường trẻ rất sợ bị bạn bè xa lánh, tẩy chay, vì thế sẽ cố gắng học cách hợp tác.

Động viên kịp thời những nỗ lực hợp tác của trẻ: "Con chia sẻ đồ chơi với bạn Hòa và bạn Như, các bạn ấy rất vui. Con thật tốt bụng!" hoặc "Cảm ơn con đã cùng học tiếng Anh với em Bo, mất thời gian của con nhưng em rất thích, con đã làm được một việc rất tốt!"…

Đồng thời khuyến khích trẻ kể lại những việc trẻ đã hợp tác, chia sẻ những việc tốt của các trẻ. Điều này sẽ làm gia tăng tinh thần muốn hợp tác và giảm đi sự hiếu thắng, ích kỷ của chúng.

Dạy trẻ bằng gương sáng của cha mẹ: Hãy để cho trẻ thấy thường xuyên cách bạn hợp tác, chia sẻ, chờ đến lượt để chúng bắt chước. Bạn cũng có thể cùng ăn món trẻ thích, cho trẻ được khoác chiếc áo của mình mà trẻ mong ước sau này lớn sẽ có một cái như thế…

Hướng dẫn trẻ cách hợp tác: Thay vì bảo con hợp tác là thế này, thế kia, cha mẹ hãy chỉ cho trẻ cách chơi theo lượt, chẳng hạn cùng chơi với con trò tung bóng, lượt của con xong là đến lượt mẹ, cứ thế vừa chơi vừa nhắc nhở. 

Khi con bạn lớn hơn, trong mỗi tình huống cụ thể, hãy dạy trẻ những kỹ năng cơ bản để thiết lập quan hệ tình bạn, theo phiên lượt, quyết định ai làm trước và cùng hợp tác. 

Một cách giúp trẻ hiểu giá trị của hợp tác là tìm các cơ hội để phân công luân phiên các nhiệm vụ trong gia đình và các quyền đặc biệt khác nhau để mỗi người đều góp phần vào, kể cả phân công luân phiên các việc vặt trong nhà. 

Nếu có các cuộc họp mặt gia đình, để phát huy tinh thần hợp tác, hãy nghĩ đến việc phân công luân phiên như người chủ trì, người đưa ra ý kiến, thư ký… Trẻ sẽ thấy được trách nhiệm của mình khi hợp tác để công việc đạt được kết quả tốt nhất.

NGUYỄN VĂN CÔNG (ThS tâm lý)/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)