Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Gia đình có ảnh hưởng lớn đến hành vi của cá nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Một khảo sát do Lưu Thị Ngọc Trâm (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) thực hiện đã chỉ ra gia đình là yếu tố tác động lớn nhất đến động lực học tập của sinh viên (SV).

SV Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM trong giờ học

Khảo sát này thuộc đề tài tham dự giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học (Eureka) năm 2017 do Thành đoàn TP.HCM phối hợp ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, thực hiện giới hạn trên 450 SV khối ngành kinh tế của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Trong tổng số mẫu khảo sát hợp lệ, số lượng SV các khóa không đều nhau, SV năm 1 chiếm 17%, năm 2 chiếm hơn 26%, năm 3 chiếm trên 34% và năm 4 chiếm hơn 21%. Kết quả cho thấy gia đình chính là nhân tố tác động mạnh nhất đến động lực học tập của SV, tiếp đến là chương trình đào tạo và công tác quản lý giáo dục. Nhân tố tác động yếu nhất là “nhận thức về lợi ích việc học, cạnh tranh trong học tập”. Đặc biệt, không có sự khác biệt về động lực học tập của SV theo giới tính, số năm theo học tại trường. “Có thể thấy gia đình luôn có sức ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, hành vi của SV. Sự động viên của ba mẹ luôn là nguồn động lực giúp con cái vượt qua mọi khó khăn để tiếp bước trên con đường học vấn. Những lời khen, món quà từ ba mẹ khiến con cái cảm nhận được rằng nỗ lực học tập của mình được công nhận, từ đó sẽ có động lực để tiếp tục cố gắng. Hơn thế, gia đình còn là hậu phương vững chắc về kinh tế để SV an tâm và thuận lợi trong việc học tập”, Ngọc Trâm nhấn mạnh. Cũng theo kết quả nghiên cứu, điều mà SV mong mỏi nhất ở chương trình đào tạo của nhà trường là tính thực tiễn để giúp họ làm được việc sau khi ra trường. Do đó, các môn học càng có tính ứng dụng vào thực tiễn công việc cao thì SV sẽ càng có hứng thú để học tập và tìm hiểu nó. “Như vậy, để SV có động lực học tập thì nhà trường cần chú trọng nghiên cứu và có kế hoạch đưa những học phần có tính ứng dụng cao vào chương trình đào tạo, đáp ứng các yêu cầu phát triển nghề nghiệp sau này của SV”, tác giả đề xuất.

Theo Ngọc Trâm, thực tế không ít SV và cả những người không có điều kiện học tập chính quy vẫn xác định được động lực học tập đúng đắn, vượt mọi trở ngại để làm chủ kiến thức, đạt thành tích tốt. Bên cạnh đó, một bộ phận SV chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tích lũy tri thức, thiếu khát vọng, dẫn đến động cơ học tập chưa đúng đắn, học theo kiểu đối phó; ra trường thiếu kiến thức, yếu về kỹ năng, không đủ tự tin tiếp cận với công việc thực tế…

ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM) đánh giá đề tài nghiên cứu của Ngọc Trâm khá gần gũi thực tiễn, gắn với điều mà hiện nay nhà trường cũng như doanh nghiệp đang trăn trở, đó là động lực học tập, làm việc và phấn đấu của SV. Từ kết quả nghiên cứu này, nhất là về sự ảnh hưởng của gia đình đến việc tạo động lực học tập cho SV, nhà trường sẽ nghiên cứu mở rộng thêm để có phương án đồng hành cùng phụ huynh trong việc cải tiến chất lượng học tập của các em, đặc biệt với SV năm 1, năm 2. Về chương trình đào tạo, nghiên cứu của Ngọc Trâm đã đề cập chính xác, vì các khảo sát của trường cũng chỉ ra kết quả tương tự. Hiện tại, nhà trường đã cải tiến chương trình theo hướng kết nối doanh nghiệp nhiều hơn. Cụ thể, từ năm 1, SV sẽ được tiếp xúc với doanh nghiệp để tìm hi ểu yêu cầu từ doanh nghiệp. Các năm tiếp theo, nhà trường tổ chức những chương trình kiến tập, giao lưu doanh nghiệp, cựu SV thành đạt và năm cuối là chương trình học kỳ doanh nghiệp. “Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng có sự đóng góp từ doanh nghiệp, linh hoạt với khá nhiều học phần có thể tổ chức tại doanh nghiệp. Với sự thay đổi chương trình đào tạo và cải tiến công tác HS-SV, hy vọng thời gian tới sẽ tạo nhiều động lực cho SV hơn”, ông Sơn nói.

Thục Trân

Bình luận (0)