PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai – BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM – cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh cao huyết áp (CHA) ngày càng gia tăng, trở thành mối nguy. Đã từ lâu CHA được xem là bệnh ở người già, nhưng trên thực tế bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí ở trẻ 7 ngày tuổi nếu huyết áp của bé lớn hơn 96 mmHg. Ở nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận định nếu CHA ở người trẻ không điều trị thì tuổi thọ của những người này sẽ giảm từ 10-20 năm so với người già bị CHA. Do đó, việc phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh CHA đang được cộng đồng quan tâm.
Để phát hiện chính xác và sớm đối với bệnh CHA, người dân cần kiểm tra huyết áp định kỳ, đo huyết áp cho trẻ em. Khi đã phát hiện CHA, người bệnh không nhất thiết phải dùng thuốc ngay ngoại trừ những trường hợp CHA kịch phát (210/120 mmHg). Bởi CHA có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt. Cụ thể, người bệnh cần giảm muối trong chế độ ăn, giới hạn muối ở mức 5g/ngày, không nên thêm nước mắm, nước tương đối với thức ăn đã nêm nếm hoặc khi ăn trái cây không nên chấm muối. Các loại thức ăn mặn như mắm, dưa/cà muối, cá khô nên loại ra khỏi thực đơn mỗi ngày. Đối với trẻ em, việc nêm nếm không cần thiết vì nhu cầu về muối của trẻ đã đủ từ thực phẩm và sữa. Ngoài việc tạo thói quen ăn lạt cho bé, việc giảm muối ở thời thơ ấu còn có tác dụng dự phòng cao huyết áp sau này.
Bên cạnh đó, người dân cần tăng kali trong chế độ ăn (kali có nhiều trong cá, ngũ cốc, rau có màu xanh đậm, trứng, đậu nành…); tăng canxi (ăn cá nhỏ luôn xương, nghêu sò, uống sữa, ăn mè, ăn nhiều rau xanh); giảm chất béo, giảm năng lượng (500kcal/ngày) đã ở tình trạng thừa cân. Nên chuyển từ các dạng chiên xào sang luộc, kho để giảm lượng chất béo trong khẩu phần. Bên cạnh đó, cần giảm sử dụng bia rượu và tăng cường thời gian vận động bằng các hoạt động lành mạnh như đi bộ, chạy, nhảy dây, bơi lội, bóng bàn…
Nhã Nam
Bình luận (0)