Bộ Y tế cho biết do nguồn vắc-xin rất khan hiếm nên Việt Nam chưa tính tới phương án tiêm dịch vụ vắc-xin Covid-19. Tại thời điểm này, vắc-xin Covid-19 vẫn được tiêm miễn phí.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ và Thủ tướng là huy động mọi nguồn lực để có thể tìm kiếm và tiếp cận nhiều nguồn, mau chóng đưa lượng lớn nhất vắc-xin về Việt Nam. Bộ Y tế cũng đã có các văn bản thông báo tới các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vắc-xin trên tinh thần Bộ Y tế sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi khi rõ nguồn vắc-xin.
Tiêm vắc-xin Covid-19 miễn phí cho người dân ở TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Đối với các vắc-xin được WHO, cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, Bộ Y tế đảm bảo cấp phép trong vòng 5 ngày. Với các vắc-xin khác khi chưa được WHO và một số tổ chức thế giới như FDA, cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) công nhận, Bộ Y tế sẽ cố gắng thẩm định và cấp phép trong vòng 10 ngày nếu như đủ tiêu chuẩn.
"Để tăng nhanh nguồn cung, đa dạng hóa nguồn vắc-xin, đa nguồn lực và đỡ cho ngân sách quốc gia, chúng tôi tin rằng chủ trương tiêm dịch vụ cũng hợp lý và Bộ Y tế sẽ đề xuất xem xét ở một thời điểm phù hợp. "Hiện tại nguồn cung vắc-xin rất hiếm, đặc biệt là trước tháng 9"- ông Thuấn nói.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, cho biết Việt Nam tạm thời chưa tính đến phương án tiêm vắc-xin dịch vụ. Để có vắc-xin cho tiêm chủng phải có nhiều vắc-xin nhưng hiện nay nguồn cung vắc-xin đang có khó khăn nên Việt Nam đang tập trung tiêm cho các đối tượng ưu tiên, nhất là dân vùng dịch.
Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 17,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau
Cũng theo ông Phu, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 về tiêm chủng vắc-xin giữa tháng 6 vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên xong và đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị cho các giai đoạn sau, khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh thành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các trường Đại học về việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, an toàn và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị được phân công tiêm chủng vắc-xin tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 năm 2021 – 2022 ngày 8-7 hoàn toàn miễn phí, không thu tiền, không nhận "bồi dưỡng" từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng.
Hơn 8 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm Bộ Y tế cho biết đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 17,5 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau. Các điểm tiêm chủng đã tiêm được hơn 8 triệu liều vắc-xin cho các đối tượng ưu tiên và người dân. Trong đó, hơn 820.000 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Để chấm dứt đại dịch Covid-19, Việt Nam đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc. Bộ Y tế đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc-xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin. Bộ Y tế cho biết nguồn vắc-xin sẽ về nhiều vào cuối năm 2021 trong đó, Việt Nam sẽ nhận gần 50 triệu liều vắc-xin Pfizer. |
Theo N.Dung/NLĐO
Bình luận (0)