Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Apple phải tạm ngưng quá trình sản xuất iPhone và iPad do các nhà máy quá tải và ảnh hưởng của gián đoạn chuỗi cung ứng.
Apple “hụt” mục tiêu sản xuất do thiếu chip
“Do số lượng linh kiện và chip có hạn nên việc trả thêm tiền cho nhân viên tuyến đầu làm thêm giờ vào ngày lễ là không cần thiết”, một giám đốc chuỗi cung ứng của Apple chia sẻ trên Nikkei Asia.
Sau khi ra mắt dòng sản phẩm iPhone 13 và iPad mới vào tháng 9, Apple phải cắt giảm sản xuất. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp giá trị nhất nước Mỹ bỏ lỡ doanh thu hàng tỷ USD mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang vì không kịp mua một số sản phẩm của Apple để làm quà tặng trong dịp Giáng sinh do thời gian giao hàng sẽ kéo dài sang tháng 1.
Mặc dù Apple tiết giảm chi phí từ sản phẩm như iPad hay các thế hệ iPhone cũ hơn như iPhone 12 và iPhone SE để ưu tiên cho dòng smartphone mới nhất thì vào tháng 9 và tháng 10, sản lượng iPhone 13 vẫn giảm 20%, các iPhone đời cũ cũng giảm khoảng 25%. Nhìn chung, dù đã tăng tốc sản xuất trở lại vào tháng 11, Apple vẫn đang thiếu khoảng 15 triệu iPhone so với mục tiêu sản xuất 230 triệu chiếc vào năm 2021.
Hiệu ứng “cánh bướm” khiến Apple chao đảo
Sự gián đoạn do Covid-19 ở Malaysia, quốc gia Đông Nam Á đóng vai trò then chốt trong việc đóng gói và thử nghiệm chip khiến thời gian lắp ráp sản phẩm Apple ở những khâu cuối cùng kéo dài.
"Ngay cả khi có sẵn 99% linh kiện, nếu chỉ cần thiếu một hoặc hai hay ba bộ phận nhỏ, bạn sẽ không thể bắt đầu quá trình lắp ráp sản phẩm", Giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp của Apple cho biết.
Phong tỏa vì Covid-19, hạn chế sử dụng năng lượng và thiếu hụt linh kiện khiến Apple "khủng hoảng" trong mùa mua sắm cuối năm.
Thêm vào đó, những hạn chế bất ngờ đối với việc sử dụng năng lượng công nghiệp ở Trung Quốc đã làm gia tăng thêm tình trạng khó khăn cho Apple. Cụ thể, vào cuối tháng 9, do lượng khí thải vượt qua các chỉ số môi trường và giá than tăng cao, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế sử dụng điện ở các tỉnh công nghiệp trọng điểm, bao gồm Quảng Đông và Giang Tô – nơi Apple vận hành hơn 150 cơ sở sản xuất linh kiện thiết yếu từ bảng mạch in đến pin.
Texas Instruments, NXP Semiconductors, Nexperia, STMicroelectronics là những nhà cung cấp chip quan trọng cho iPhone, iPad, Macbook và Apple Watch cũng không thể cung cấp đủ chip cho Apple do bị gián đoạn bởi Covid-19 ở Đông Nam Á, cùng với bão tuyết ở Texas và động đất ở Nhật Bản trong năm qua.
Năm 2021 được định hình là một năm mạnh mẽ đối với thương hiệu “táo khuyết”, do Apple có cơ hội giành lấy thị phần từ Huawei Technologies. Điều này khiến các lô hàng iPhone đã tăng gần 30% so với năm 2020. Tuy nhiên, niềm vui chỉ kéo dài trong 9 tháng đầu năm, trước khi “bão tố” ập đến.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook thừa nhận, những hạn chế về nguồn cung khiến Apple mất khoảng 3 đến 4 tỷ USD doanh thu từ tháng 4 đến tháng 6 và 6 tỷ USD khác trong tháng 7. Thiệt hại sẽ được thể hiện đầy đủ trong báo cáo tài chính của Apple vào khoảng cuối tháng 1/2022.
Tình trạng Apple sẽ khả quan hơn vào năm sau?
Các dự báo của Phố Wall cho biết Apple có thể đạt lợi nhuận ròng 30,8 tỷ USD trong quý cuối năm, tăng 7% so với năm 2020 dù mất hàng tỷ USD doanh thu.
Ba nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới – Intel, TSMC và Samsung – đã bắt tay vào kế hoạch mở rộng công suất mạnh mẽ nhất của họ, hứa hẹn chi hơn 350 tỷ USD trong những năm tới giúp giảm bớt tình trạng thiếu chip. Trong khi đó, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC cũng cam kết tăng gấp ba công suất sản xuất.
Nhiều nguồn tin cho biết, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp đẩy nhanh quá trình sản xuất iPhone trong tháng 11, 12. Apple liên tục trấn an thị trường rằng nhu cầu người mua vẫn còn và hãng chỉ đơn giản là lùi vài đơn đặt hàng do hạn chế về nguồn cung.
Hương Dung (theo vietnamnet)
Bình luận (0)