Cảm nhận một tác phẩm nghệ thuật tùy vào trải nghiệm cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, nghệ thuật không phải tự nhiên mà có khán giả, đó là quá trình thực hành sáng tạo liên tục của nghệ sĩ và sự tìm hiểu từ công chúng quan tâm. Để cảm một bài hát, một vở kịch hay một bức tranh… cũng cần nghệ thuật, như cách nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm.
Quá trình sáng tạo hay cảm nhận tác phẩm đều cần nghệ thuật, để làm ra cái đẹp có giá trị và thăng hoa trong mắt khán giả
Cảm thụ bài bản
Sự góp mặt của lớp nghệ sĩ và khán giả thế hệ gen Y, gen Z khiến nghệ thuật đương đại được nhắc đến nhiều, cùng các không gian triển lãm, thực hành nghệ thuật đa phương tiện nổi lên trong vài năm qua… Những lớp học để cảm thụ nghệ thuật bắt đầu được quan tâm, không chỉ dừng lại ở thị giác, thính giác hay xúc giác, nhiều khán giả trẻ tìm hiểu về những ý niệm nghệ thuật để cảm thụ tác phẩm một cách bài bản.
Tham dự khóa học trực tuyến “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” do dự án giáo dục phi lợi nhuận “Thắp sáng hải đăng” (thuộc doanh nghiệp xã hội Biz Educo) tổ chức, Phạm Thị Thu Trang (28 tuổi, giáo viên dạy piano, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Tôi là dân ngoại đạo trong lĩnh vực này, vậy nên tham gia vài buổi học cũng thú vị, biết thêm nhiều khía cạnh rất hay của một tác phẩm hội họa mà trước giờ chỉ lớt phớt xem qua”.
Các triển lãm phần lớn đều có giám tuyển và hoạt động trò chuyện bên lề, để khán giả hiểu nhanh về ý tưởng, ý niệm nghệ thuật mà người nghệ sĩ, họa sĩ gửi gắm trong tác phẩm.
“Nếu triển lãm có điều kiện kéo dài khoảng một tháng, thì gần như mỗi tuần đều có những sự kiện như trò chuyện với tác giả, nhà phê bình và kết nối cùng giám tuyển xoay quanh những ý tưởng nghệ thuật của tác giả, tác phẩm. Cộng tác viên hỗ trợ triển lãm thường là sinh viên hoặc những người làm việc trong cùng lĩnh vực, để có thể hỗ trợ khán giả xem và cảm được tranh một cách trọn vẹn nhất có thể. Có thể ví đây như một lớp học nhanh để hiểu và cảm được tác phẩm hiện có trong không gian trưng bày, vì người xem có hiểu thì họ mới thấy hay, thấy đẹp và ở lại với mình lâu hơn”, chị Phan Thanh (trợ lý truyền thông Trung tâm nghệ thuật Q.) cho biết.
Để nghệ thuật phát triển có chiều sâu
Học cảm thụ nghệ thuật là cách để tác phẩm và công chúng “gặp” nhau trong những ý niệm nghệ thuật mà tác giả dày công sắp đặt vào đó. Nhiều nhà nghiên cứu trong giới nhìn nhận, đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao thẩm mỹ cộng đồng, khán giả am hiểu sẽ tự biết cách phân loại và sàng lọc tác phẩm nghệ thuật.
Tham gia giảng dạy ở các trường đại học và hiện đang giảng dạy khóa học trực tuyến “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, họa sĩ Trần Thanh Cảnh chia sẻ: “Với tôi, việc học cảm thụ nghệ thuật quan trọng và giá trị như bạn học những chuyên môn khác. Người trẻ học cảm thụ nghệ thuật mang lại nhiều giá trị rất hay. Từ cảm thụ nghệ thuật, sẽ khơi gợi lên trong các bạn tính sáng tạo nhiều hơn để ứng dụng vào cuộc sống của riêng mỗi người”.
Tại buổi trò chuyện “Nghệ thuật chữa lành chấn thương tâm lý” do Salon Văn hóa Cà phê thứ bảy tổ chức vừa qua, TS Lê Nguyên Phương bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng khán giả khi xem phim, nghe nhạc, đọc sách, ngắm các tác phẩm hội họa, hay thưởng lãm bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, hãy chú ý tới tính biểu tượng và những kiến giải mà các tác phẩm mang đến cho mình ở những tầng sâu hơn, chứ không chỉ tiếp cận chúng như những loại hình giải trí mang tới sự yêu thích nhất thời”.
Cùng ý kiến, đạo diễn Aaron Toronto (phim Đêm tối rực rỡ) bày tỏ: “Với từng người, mỗi tác phẩm sẽ có những biểu tượng riêng, những ý nghĩa và lý giải riêng ứng với trải nghiệm và tri thức của người đó. Không ai có quyền áp đặt ý nghĩa và lý giải cho những biểu tượng này cả”.
Có thể nói, cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật chính là cái đẹp mà mỗi người tự cảm nhận riêng cho mình… Những lớp học về cảm thụ nghệ thuật hiện nay chỉ mới bắt đầu, tuy nhiên khi người ta biết quan tâm đến những giá trị tinh thần thì đó là một tín hiệu đáng mừng để nghệ thuật phát triển một cách có chiều sâu.
Tìm đến khóa học cảm thụ tranh với 10 buổi học, do phòng tranh Vy (đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) tổ chức, Nguyễn Phan Tấn Duy (24 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận Gò Vấp) nêu ý kiến: “Tôi thích hội họa nhưng chưa dám mua tranh vì không am hiểu nhiều. Học để hiểu được tranh, xem triển lãm mà không cần đọc đề dẫn hay giám tuyển theo sát diễn giải cũng có cái hay và thú vị riêng. Nếu không hiểu, không cảm được cái đẹp trong đó thì đứng trước bao nhiêu tác phẩm cũng vậy thôi”. |
Theo Kim Loan/SGGPO
Bình luận (0)