Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Từ chiến khu xưa đến phát triển du lịch về nguồn: Bài 1: Chiến khu xưa – “Thủ đô gió ngàn”

Tạp Chí Giáo Dục

“Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”, đó là lời nhà thơ Tố Hữu đã từng viết về An toàn khu (ATK). Tuy nhiên, chiến khu xưa – Việt Bắc không chỉ là nơi có thiên nhiên hùng vỹ, mà còn là cái nôi của cách mạng trong “…những ngày khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non…” của quân và dân ta trong kháng chiến. Giai đoạn 1946-1954, cùng sứ mệnh lịch sử với Tân Trào (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn) thì tại Định Hóa – Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước ta lựa chọn làm ATK kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc đến thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.


Đoàn K72-B03, Thành ủy TP.HCM vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Về với “Thủ đô gió ngàn”

Lớp K72-B03, Thành ủy TP.HCM về Việt Bắc thăm chiến khu xưa trong những ngày cuối xuân với tiết trời se lạnh. Từ Hà Nội, xe chúng tôi trải qua một miền đất trù phú với nhiều cung đường nhựa, đường cao tốc uốn lượn, chạy dài theo sườn núi. Cảnh đẹp hiện lên hùng vĩ của vùng đất kháng chiến huyền thoại. Đặt chân đến Định Hóa, Thái Nguyên hình ảnh một vùng chiến khu xưa càng hiện hữu rất rõ trên từng bụi cây, bia đá… Hôm nay, nơi đây là địa chỉ đỏ được nhiều thế hệ quan tâm tìm về để học tập, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc và biết ơn các thế hệ đi trước. Nhiều nơi đã được Nhà nước trùng tu, bảo dưỡng, xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Giới thiệu cho chúng tôi, chị Vũ Thị Thu Hương, cán bộ thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “ATK có địa thế hiểm trở “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, hệ thống núi non hiểm trở có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hòa, đã trở thành địa bàn hoạt động an toàn của các cơ quan đầu não trong kháng chiến”. ATK Định Hóa thuộc địa phận các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích quy hoạch bảo tồn trên 5.200km2”. Đây cũng là địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn.

Nói về quá trình hình thành căn cứ địa cách mạng ATK, chị Vũ Thị Thu Hương thông tin thêm: Vào những 1946, Bác Hồ đã cử nhiều đoàn lên Việt Bắc khảo sát, bắt liên lạc và xây dựng căn cứ ở các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi ATK của Trung ương. Đến mùa xuân 1947, tại vùng miền núi Việt Bắc đã hình thành ATK Trung ương, chủ yếu trên địa bàn 4 huyện: Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Sơn Dương và Yên Sơn (Tuyên Quang); trong đó Định Hóa là trung tâm, nơi đây trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Định Hóa từ đây được xem là thủ đô kháng chiến.


Hàng ngày, nhiều đoàn du khách vẫn đổ về An toàn khu tham quan, học tập, tri ân những người đã góp phần mang lại hòa bình cho đất nước hôm nay 

Cũng chính nơi đây, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc ra đời; trong đó có Luật Nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên; giảm tô, cải cách ruộng đất. Đặc biệt, 6-12-1953, tại xóm Tỉn Keo, Phú Đình, Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ra quyết định lịch sử mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.

Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, cho biết: Trong quá trình Bác Hồ và Trung ương Đảng xây dựng ATK, nơi đây không chỉ có vị thế thuận lợi mà còn bảo đảm được bí mật lực lượng, tổ chức hoạt động huấn luyện hoặc phục kích ngăn chặn các cuộc càn quét của dịch. Khu vực này, cũng có nguồn tài nguyên rừng, nước, lương thực, thực phẩm tự nhiên… có thể tự cung tự cấp, làm hậu phương cho căn cứ địa… Ngoài ra, khu vực này còn có cơ sở và phong trào quần chúng mạnh; người dân có truyền thống yêu nước, một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng. Nhờ vậy, với phương châm kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh”, toàn dân tộc Việt Nam đã bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Lịch sử hôm qua, nhắc nhớ hôm nay

Từ Lăng Bác ở thủ đô Hà Nội đến ATK Thái Nguyên – Tuyên Quang, dòng người vẫn đổ về để nhớ tới Bác Hồ kính yêu, người con vĩ đại của dân tộc… Đó cũng là dịp để tự nhắc nhở bản thân phải luôn khiêm tốn, tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu học tập theo gương Bác. Đến thăm những nơi này ta thêm trân quý, trân trọng, tự hào và tin tưởng về hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người sẽ sống mãi cùng non sông đất nước. 

Cầm nén nhang trên tay, tại nhà tưởng niệm Bác Hồ, cô Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM bùi ngùi, rưng rưng nước mắt, đó cũng là tâm trạng chung của nhiều người đến đây. Dòng người đông đúc nhưng xếp hàng trang nghiêm, tĩnh lặng. Thỉnh thoảng có tiếng lắp bắp, sột soạt, tiếng bước chân đi nhè nhẹ để rón rén tiến đến thắp cho Bác và các chiến sĩ nén nhang như để khắc ghi lòng biết ơn vô hạn. Khoảng 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào lịch sử, hôm nay các thế hệ trở về ATK mong muốn nhớ về mảnh đất hùng thiêng, thắp nén nhang nhớ về các bậc tiền nhân đã ngã xuống để xây nền cho hòa bình.


Đại điện lớp K72-B03, tặng hoa cảm ơn PGS.TS Nguyễn Duy Bắc (cầm hoa đứng giữa), Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Đậu Tuấn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo (cầm hoa đứng bên trái)

Ngồi bệt trên tảng đá ven đường, một cụ bà tuổi xưa nay hiếm, được một người trung niên dẫn đi trong khuôn viên ATK tại Định Hóa. Tôi hỏi, bà móm mém bảo: Hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của Bác Hồ bảo vệ Tổ quốc, đến nay đã bao nhiêu năm rồi tôi cũng không nhớ nổi, nhưng có ba người thân của tôi đã xung phong lên đây kháng chiến. Họ ra đi bảo vệ quê hương, nay vẫn nằm lại với núi rừng và mây nước ở Việt Bắc này. Rồi bà tiếp lời: Mẹ tôi, một bà quả phụ đã tiễn chồng và hai đứa con ra đi mà không có ngày về. Nhưng rồi đất nước độc lập, bao thế hệ được sống trong hòa bình nên lúc còn sống mẹ tôi luôn xem đó là niềm an ủi. Hôm nay, tôi cùng đứa cháu từ Thanh Hóa lên đây thắp nén nhang cho Bác Hồ cũng để nhớ về các anh tôi. Nghe bà cụ nói, tôi nghe mà biết ơn họ thật nhiều. Có lẽ còn hàng vạn, hàng triệu câu chuyện nữa phía sau cuộc chiến; phía sau cái giá của hòa bình, của đất nước tươi đẹp hôm nay. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, công lao vô bờ bến của Bác Hồ, của các lãnh đạo, chiến sĩ dành cho Tổ quốc mình ngày ấy luôn được các thế hệ hướng về, khắc ghi. Chiến tranh đã đi qua, màu xanh đã trở lại, tầng tầng, lớp lớp các thế hệ về đây để học tập, thực tế, tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc. Để biết, có hòa bình, độc lập đó là sự hy sinh bao xương máu của các thế hệ ông cha.

Trong buổi họp mặt tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Vũ Thị Thanh Xuân, Chánh văn phòng phía Nam, Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh là chủ nhiệm lớp K72-B03 đã thay mặt chúng tôi chia sẻ: Qua những chứng tích sống động và nhiều câu chuyện về ATK, giúp chuyến đi về nguồn của chúng tôi đọng lại nhiều cảm xúc. Chúng tôi sẽ luôn nhớ, khắc ghi công ơn của Bác, của các thế hệ đi trước. Xin cảm ơn thầy giáo, cô giáo ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong 2 năm qua đã truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc; trau dồi thêm kiến thức để học viên có thể góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc phát triển đất nước.

Tạm biệt ATK trên chuyến bay vào cuối buổi chiều để trở lại TP.HCM với không khí vui tươi, nhưng hình ảnh của ATK như: Tỉn Keo, Khuôn Thát… vẫn còn hiện hữu trong tâm trí. Tình cảm cán bộ, người dân chiến khu; lời dạy, truyền đạt của thầy cô giáo ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh… vẫn văng vẳng như nhắc nhớ, hẹn đoàn chúng tôi ngày trở lại.

Trần Mạnh

Bình luận (0)