Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD-ĐT công bố hoàn toàn “vắng bóng” hai môn mỹ thuật và âm nhạc. Trong khi đó, đây là hai trong số các môn học lựa chọn đang được triển khai ở bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh ở bậc này.
Môn mỹ thuật không phải là môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 khiến học sinh thiệt thòi khi xét tuyển vào trường đại học yêu thích
Cụ thể, theo Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT, học sinh sẽ thi 6 môn khi tham gia kỳ thi. Trong đó bao gồm 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử cùng 2 môn học lựa chọn trong tổng số các môn lựa chọn mà học sinh chọn học ở bậc THPT. Các môn học lựa chọn bao gồm vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng việc “co” số môn học lựa chọn trong số môn thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT đã vô tình làm mất quyền lợi của học sinh, gây thiệt thòi cho những học sinh chọn môn mỹ thuật và âm nhạc ở bậc THPT.
Thiệt thòi cho học sinh
Cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, Q.Phú Nhuận) cho hay, khi thiết kế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, các trường THPT đều cố gắng tổ chức giảng dạy môn mỹ thuật và âm nhạc dù điều kiện đội ngũ giáo viên rất khó khăn, nhằm phát huy tối đa mục tiêu giáo dục mà chương trình hướng đến là phát triển phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp cho học sinh gắn với các môn học lựa chọn. Hơn nữa, đây là 2 môn học ngoài sở thích ra còn phải có năng khiếu. Như vậy, số học sinh chọn học 2 môn học này trong trường đều là những em có mong muốn sẽ theo học các ngành nghề liên quan đến bộ môn sau này. “Việc Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không đề cập đến 2 môn học này trong số các môn thi sẽ gây thiệt thòi cho những học sinh lựa chọn học 2 môn này ở bậc THPT”, cô Tâm nhìn nhận.
Khu vực Q.12 và huyện Hóc Môn chỉ có duy nhất Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) triển khai đưa môn mỹ thuật vào giảng dạy cho học sinh khối 10 theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù số lượng không nhiều chỉ với 60 học sinh đăng ký, tuy nhiên, thầy H.H (giáo viên dạy hợp đồng môn mỹ thuật tại trường) đánh giá, đây là những học sinh có năng lực, đam mê và định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng với môn học. Vì thế, nếu môn mỹ thuật không là một môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì không chỉ thiệt thòi cho học sinh mà còn khiến các em mất đi một cơ hội, một phương thức xét tuyển vào trường đại học bằng kết quả thi “đường đường chính chính này”. “Khi học sinh có yêu thích, định hướng chọn học, các em học rất trách nhiệm và say sưa. Do đó, nếu môn học trở thành môn thi được lựa chọn thì học sinh càng học có trách nhiệm và ý thức hơn”, thầy H.H cho biết.
Học sinh không nhiệt huyết, nhà trường chẳng thiết tha
Bộ GD-ĐT nêu rõ, giai đoạn bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua việc học sinh được chọn học các môn lựa chọn. Để hiện thực hóa điều này, các trường THPT thiết kế nhiều phương thức tổ chức môn học lựa chọn gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Việc “vắng bóng” môn nghệ thuật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thể khiến học sinh bớt nhiệt huyết, nhà trường không say mê khi tổ chức giảng dạy
Tại TP.HCM, môn mỹ thuật và âm nhạc dù học sinh có nhu cầu học cao song không nhiều trường THPT tổ chức được vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất… Tuy nhiên, vẫn có một số trường đã xoay xở nhiều cách để đưa môn học nghệ thuật vào giảng dạy cho học sinh. “Như vậy, nếu Bộ GD-ĐT bỏ hẳn 2 môn mỹ thuật và âm nhạc ra khỏi số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thì các trường THPT có lẽ sẽ bớt nhiệt huyết hơn trong việc nỗ lực đưa 2 môn này vào giảng dạy, vì rõ ràng giảng dạy mà không phục vụ thi cho học sinh thì cả thầy và trò cũng như nhà trường bớt nhiệt huyết”, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức chia sẻ.
Hiện tại có 2 lớp mỹ thuật và 1 lớp âm nhạc đang được tổ chức giảng dạy cho học sinh khối 10 trong năm học 2022-2023, hiệu trưởng một trường THPT ở quận vùng ven cho hay, khi định hướng tổ chức giảng dạy, nhà trường luôn gắn với mục tiêu đa dạng các lựa chọn ngành nghề cho học sinh từ sớm. Với hy vọng rằng học sinh có định hướng nghề nghiệp gắn với môn mỹ thuật và âm nhạc thì ngay ở bậc THPT, các em đã có thể trải nghiệm, học hỏi và sử dụng kiến thức môn học để cạnh tranh vào việc xét tuyển vào trường đại học.
Hiệu trưởng này phân tích, theo dự thảo, học sinh được chọn 2 trong nhóm 4 môn học lựa chọn mình đăng ký học ở bậc THPT để thi tốt nghiệp THPT. Vậy thì rõ ràng những học sinh chọn học mỹ thuật và âm nhạc trong nhóm môn lựa chọn, các em chỉ có thể chọn 2 trong 3 môn học lựa chọn còn lại. Rõ ràng rất thiệt thòi cho các em, trước mắt là về số môn học lựa chọn, bởi giảm đi một môn học là học sinh bớt đi 1 cơ hội chọn môn mà các em có thế mạnh nhất. Tiếp đó là thiệt thòi trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh. “Với những thiệt thòi này thì thử hỏi học sinh còn có thể nhiệt huyết, trách nhiệm khi theo học môn học, lựa chọn môn học và trường THPT có còn tha thiết trong việc đưa vào giảng dạy 2 môn này”, vị hiệu trưởng đặt vấn đề.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)