Giới khoa học Mỹ vừa tiến hành thêm thử nghiệm thành công, thu năng lượng lớn từ phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Tờ The Guardian ngày 7.8 đưa tin các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (bang California, Mỹ) vừa thu được năng lượng lớn từ phản ứng tổng hợp hạt nhân, hay còn gọi là phản ứng hợp hạch.
Trong khi các lò phản ứng hạt nhân trên thế giới sử dụng phản ứng phân hạch uranium, giới khoa học trên thế giới lâu nay vẫn theo đuổi tham vọng tiến hành phản ứng hợp hạch vốn khó thực hiện hơn.
Phản ứng hợp hạch hứa hẹn cung cấp nguồn năng lượng sạch, an toàn và gần như không có giới hạn.
Theo một phát ngôn viên Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore, các nhà khoa học vừa thử nghiệm phản ứng hợp hạch lần 2 hôm 30.7 và thu được năng lượng còn cao hơn thử nghiệm lần đầu vào tháng 12.2022. Kết quả sau cùng sẽ được phân tích cụ thể.
Trong thử nghiệm, các nhà khoa học đã bắn chùm nhiều tia laser năng lượng cao vào một mục tiêu nhỏ, đốt nóng các đồng vị hydro là deuteri và triti lên nhiệt độ hơn 3 triệu độ C và mô phỏng điều kiện của một ngôi sao.
Quy trình này giúp phóng thích nguồn năng lượng khổng lồ, hứa hẹn cung cấp sự thay thế bền vững và ít carbon so với năng lượng hóa thạch hoặc phản ứng phân hạch.
Theo Bộ Năng lượng, phòng thí nghiệm trên đã thu năng lượng lớn từ thử nghiệm hồi tháng 12, tạo năng lượng 3,15 megajun sau khi chùm tia laser 2,05 megajun phóng vào mục tiêu.
Nói một cách khác, thử nghiệm hợp hạch giúp sản sinh năng lượng nhiều hơn năng lượng được cung cấp. Bộ Năng lượng Mỹ gọi đây là "đột phá khoa học lớn trong nhiều thập niên, giúp mở đường cho những tiến bộ về quốc phòng và tương lai năng lượng sạch".
Một kg nhiên liệu hợp hạch, gồm các đồng vị hydro là deuteri và triti, cung cấp năng lượng bằng 10 triệu kg nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, giới khoa học đã mất 70 năm nghiên cứu để đạt được thành tựu này.
Bình luận (0)