Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số tại 44 trường tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ thí điểm triển khai giáo dục kỹ năng công dân số tại 44 trường tiểu học với 56.298 học sinh sẽ được thụ hưởng.


Năm học này, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh 44 trường tiểu học

Ngày 12-3, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ thí điểm triển khai giáo dục kỹ năng công dân số tại 44 trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Mỗi quận, huyện và TP.Thủ Đức chọn 2 trường để thực hiện thí điểm. Từ năm học 2024- 2025, thành phố sẽ mở rộng triển khai đến 100% trường tiểu học trong thành phố.

Theo ông Quốc, việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học tại TP.HCM sẽ được thực hiện qua 4 hình thức: Dạy học môn tin học thực hiện Chương trình GDPT 2018; Giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học; Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số; Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.

Cụ thể:

Dạy học môn Tin học thực hiện Chương trình GDPT 2018: Trong Chương trình GDPT 2018, môn tin học ở tiểu học được phân bổ thời lượng 35 tiết/năm học, là môn học bắt buộc từ lớp 3. Căn cứ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất và kế hoạch giáo dục nhà trường, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục môn tin học bảo đảm thực hiện đúng, đủ thời lượng theo yêu cầu của chương trình. Mỗi bài học tin học thiết kế tổ chức dạy học theo tiết (từ 1 đến 2 tiết), bám sát yêu cầu cần đạt trong chương trình. Việc giảng dạy môn tin học bảo đảm có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu của chương trình; có giải pháp, phương án sử dụng, bố trí, phân công giáo viên linh hoạt, phù hợp.

Việc dạy học môn tin học đáp ứng đúng nội dung và yêu cầu cần đạt tương ứng theo quy định của chương trình bảo đảm hình thành và phát triển năng lực tin học quy định trong Chương trình GDTP 2018, đồng thời góp phần hình thành và phát triển năng lực số cũng như kỹ năng công dân số cho học sinh.


Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, có 4 phương thức triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học

Giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học: Đây là giải pháp khả thi và và hiệu quả thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học. Do vậy, giáo viên có nhiệm vụ nghiên cứu chương trình các môn học, nội dung, phương pháp tích hợp để xác định nội dung, địa chỉ tích hợp cụ thể, xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học, tích hợp hiệu quả nội dung giáo dục kỹ năng công dân số. Giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học chú trọng hình thức tích hợp nội môn, liên môn. Việc thiết kế và tổ chức dạy học bài học tích hợp nội dung giáo dục kỹ năng công dân số có thể sử dụng hình thức bài học STEM, bảo đảm tiến trình bài học theo một trong hai tiến trình thiết kế kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học.

Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số: Là thực hiện tăng cường, bổ sung thời lượng, nội dung giáo dục kỹ năng công dân số trong kế hoạch giáo dục nhà trường. Trên cơ sở điều kiện thực tiễn, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số với nội dung và thời lượng phù hợp. Trong đó đặc biệt chú ý tăng cường cho học sinh lớp 1, lớp 2 để thực hiện “hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số” và tăng cường thời lượng và nội dung cho đối tượng học sinh lớp 3, 4, 5 theo từng chủ đề, mạch kiến thức.

Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học của trường. Có thể dạy trải đều theo số tiết/tuần (1-2 tiết/tuần) hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn trong năm học.

Trong tháng 3 sẽ bồi dưỡng giáo viên 44 trường thí điểm

Để triển khai đưa giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học tại TP.HCM, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, trong tháng 3-2024, Sở GD-ĐT TP sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên 44 trường thí điểm học. Vào tháng 8-2024, công tác tập huấn sẽ được triển khai đến 100% cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tiểu học còn lại, đảm bảo mở rộng triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học toàn thành phố.

Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng sẽ tổ chức ít nhất 1 đợt học tập trao đổi kinh nghiệm về giáo dục kỹ năng công dân số cho đội ngũ tại một tỉnh thành khác; tổ chức ít nhất 1 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp thành phố về triển khai giáo dục kỹ năng công dân số.

Để thực hiện hiệu qủa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học, ông Quốc yêu cầu các địa phương, nhà trường tăng cường đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng việc phổ cập kỹ năng số và an toàn, an ninh mạng; hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số ở tiểu học…

Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số: Là hình thức tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số, song có một số điểm khác biệt về nội dung và hình thức tổ chức đó là CLB giáo dục kỹ năng công dân số được tổ chức theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh; Nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho các CLB là các chủ đề, nội dung, module kiến thức, bảo đảm phù hợp với đối tượng; Hình thức tổ chức CLB giáo dục kỹ năng công dân số đồng thời là mô hình thực hiện giáo dục STEM.

“Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp học sinh có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh

Yến Hoa

Bình luận (0)