Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến của cả phụ huynh lẫn giáo viên tỏ ý không đồng tình về việc sách giáo khoa (SGK) tiểu học sử dụng ngữ liệu có chứa từ ngữ địa phương.
Một tiết học môn Ngữ văn của học sinh lớp 12 (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Một số báo đăng bài: “Chôn rau cắt rốn là gì…”, (Bài “Mở rộng vốn từ Tổ quốc” (trang 18 sách Tiếng Việt 5/tập 1, NXB Giáo dục, bài tập câu 4), trong đó tác giả nêu quan điểm của mình: “d/Nơi chôn rau cắt rốn. Đúng ra câu d phải là: Nơi chôn nhau cắt rốn”. Ai cũng biết, nghĩa đen của từ “nhau” là phần nuôi dưỡng thai nhi sau khi sinh bị bỏ đi, ngày xưa nhân dân ta thường đem chôn xung quanh nhà. Còn nghĩa bóng là quê hương của một người. Vậy mà, trong SGK lại đưa từ “rau” vào.
Theo tôi, việc đem áp đặt từ “rau” trong trường hợp này hoàn toàn sai. Sai từ người biên tập, chủ biên…
SGK nên dùng các ngữ liệu có từ địa phương?
Đúng như ý kiến của bạn đọc, theo từ điển tiếng Việt thì từ “nhau” là từ toàn dân chỉ “bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai”. Ví dụ: “Cuống nhau”. “Nơi chôn nhau cắt rốn”. Còn “rau” là phương ngữ Trung bộ, đồng nghĩa với “nhau”: “Nơi chôn rau cắt rún”.
Theo tôi, việc SGK đưa vào một số ngữ liệu có chứa từ địa phương (phương ngữ) là nhằm mục đích cung cấp thêm cho học sinh vốn từ ngữ cùng nghĩa của nhiều vùng phương ngữ trên đất nước ta, đúng theo tiêu chí đặt ra của người làm sách là “mở rộng vốn từ”, vì từ vựng tiếng Việt không chỉ là từ toàn dân, mà còn cả bao gồm nhiều bộ phận từ vựng khác – trong đó có phương ngữ. Tuy nhiên, khi sử dụng từ địa phương, người viết sách nhất thiết phải ghi chú thêm từ toàn dân tương ứng. Ví dụ cụ thể trường hợp trên thì nên ghi rõ: “Nơi chôn rau (nhau) cắt rốn”. Còn việc giải thích tỉ mỉ từ toàn dân – từ địa phương cho học sinh nắm được thì đó là công việc của giáo viên trong giờ lên lớp.
Về việc chú thích từ địa phương này, chúng tôi nhận thấy các nhà biên soạn SGK đã thực hiện. Ví dụ ở sách Tiếng Việt 3 (trang 100), bài Tập đọc “Một mái nhà chung” có dẫn ngữ liệu “Mái nhà của dím/Sâu trong lòng đất”, sang đến trang 102 thì có chú giải: “Dím (nhím): loài gặm nhấm, có lông nhọn…”. Nhưng còn nhiều trường hợp khác chưa có chú giải. Việc chú giải này, các nhà biên soạn SGK nên thực hiện triệt để hơn nữa trong những lần tái bản hoặc biên soạn mới, như tác giả N.M đã nêu: “Nếu ngữ liệu được dùng thuộc đặc trưng phát âm vùng miền, là văn bản đặc biệt, mang tính lịch sử cũng nên chú thích cho học sinh rõ. Như trong SGK Tiếng Việt lớp 5 (tập 1), ở trang số 4, đoạn trích “Thư gửi các học sinh” của Bác Hồ thấy có các từ sau: “mấy tháng giời”, “từ phút này giở đi”; “sau 80 năm giời nô lệ”…
Có nên sửa nguyên văn trích dẫn?
Thành ngữ, tục ngữ là những thể loại văn vần của văn hóa, văn học dân gian nên tất nhiên nó mang tính dị bản. Ra đời ở địa phương này với từ ngữ của vùng này, nhưng khi du nhập lưu truyền sang địa phương khác thì có thể nó bị sửa đổi ít nhiều từ ngữ, thay thế bằng những từ ngữ của địa phương đó. Người biên soạn SGK tùy theo quan điểm, mục đích của mình mà lựa chọn sử dụng dị bản nào phù hợp. Nguyên văn trích dẫn các tác phẩm văn học viết cũng phải giữ nguyên bản, cần tôn trọng nguyên tắc trích dẫn. Nói tóm lại là người biên soạn SGK hoàn toàn không nên tự mình sửa văn bản, nhất loạt thay thế tất các từ ngữ địa phương bằng từ toàn dân.
Thử tưởng tượng như câu tục ngữ “Lời nói đọi máu”, trong đó “đọi” là phương ngữ Trung bộ chỉ “cái bát” trong từ toàn dân, không thể tùy tiện thay thế và sửa câu tục ngữ trên thành “Lời nói bát máu” được, sẽ đánh mất hẳn tính “vần vè” của tục ngữ. Hoặc như câu tục ngữ: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con hay trèo”, thì từ “lội” trong câu tục ngữ này là phương ngữ Trung, Nam bộ, đồng nghĩa với từ toàn dân “bơi”. Nếu sửa lại thành “Có phúc đẻ con biết bơi, có tội đẻ con hay trèo” thì thật là ngô nghê.
Cũng nên nhớ thêm rằng, tính vần vè giúp cho các thể loại văn vần của văn học dân gian như thành ngữ, tục ngữ, ca dao dễ nhớ, dễ thuộc, dễ lưu truyền và nhờ đó nó có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa xã hội của dân tộc qua hàng ngàn năm, lưu truyền cho đến ngày nay.
Cần sự nhiệt tâm của người giáo viên
Trong thời gian sắp tới, SGK sẽ được biên soạn lại theo Đề án đổi mới chương trình và SGK. Người biên soạn SGK cũng nên tích cực tiếp thu ý kiến đóng góp của giáo viên và phụ huynh để bộ SGK mới được hoàn thiện hơn, trong đó có việc lưu tâm chú thích cặn kẽ những từ khó, từ mới, từ địa phương… Việc giới thiệu ngữ liệu có từ địa phương cũng nên lưu tâm hạn chế trong SGK bậc tiểu học và tăng cường trong SGK các cấp học cao hơn.
Tuy nhiên, SGK dù hoàn chỉnh đến đâu, suy cho cùng cũng chỉ là một loại tài liệu tham khảo chính, giúp giáo viên soạn bài, giảng dạy bám sát theo mục đích yêu cầu môn học, mục tiêu chương trình đã được ngành quy định. Còn giờ dạy có thành công hay không, học sinh hiểu bài đến mức nào, được tiếp thu thêm những kiến thức gì… phần lớn được quyết định bởi tài năng sư phạm, kiến thức nền và nhiệt tâm của người giáo viên.
Riêng về việc tự trang bị kiến thức vốn từ tiếng Việt đối với giáo viên – nhất là giáo viên tiểu học – thiết nghĩ ngoài SGK, sách hướng dẫn soạn bài, sách tham khảo, Từ điển tiếng Việt…, các thầy cô cũng nên tiếp cận một số sách công cụ như: Từ điển phương ngữ, Từ điển từ mới… để tra cứu khi cần thiết.
Vì rằng, muốn có một giờ dạy đạt hiệu quả mong muốn, người giáo viên phải rất vất vả, tốn nhiều công sức tìm hiểu kiến thức tường tận đến “ngọn nguồn lạch sông”, tra cứu các từ điển phổ thông lẫn chuyên dụng để giáo án được chu đáo, hoàn hảo.
Đỗ Thành Dương
(Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường Dự bị
ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)