Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khối tư nhân luôn thu hút sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Có 58% sinh viên (SV) dự kiến sẽ làm việc trong các công ty tư nhân, công ty cổ phần…, trong khi chỉ 16% có nguyện vọng làm tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Nhóm tác giả nhận giải nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka năm 2017”

Số liệu này được nhóm SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) khảo sát và đưa ra trong đề tài vừa đoạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka năm 2017” do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với chủ đề “Phân tích hành vi mở rộng mạng lưới xã hội nhằm gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên ĐH”. Nhóm SV gồm Bùi Thị Vân, Phạm Mai Giang, Trần Thị Minh Hằng, Đào Thị Mai và Phùng Thị Nhung (Khoa kinh tế và quản lý nguồn nhân lực).

Chỉ 50% SV đã định hướng nghề nghiệp

Khảo sát được thực hiện trên SV năm 3 các trường ĐH tại Hà Nội gồm: Kinh tế Quốc dân, Khoa học tự nhiên, Bách khoa và Kiến trúc. Kết quả khảo sát còn cho thấy khoảng 11% SV muốn được làm trong các tổ chức/dự án nước ngoài. Tỷ lệ khá nhỏ còn lại (3,2%) mong muốn làm trong các trường ĐH, viện nghiên cứu; 1,3% muốn làm việc tại các hợp tác xã; 1,9% dự kiến làm việc trong kinh tế hộ gia đình, cá thể và 4,5% có dự kiến khác như tự kinh doanh riêng… Đặc biệt, khảo sát cũng chỉ ra chỉ khoảng 50% SV tham gia khảo sát đã có định hướng nghề nghiệp. “Việc định hướng nghề nghiệp cho SV trong trường ĐH hiện cần được lưu ý để SV chuẩn bị tốt hành trang trước khi bước vào con đường tìm kiếm việc làm”, nhóm nghiên cứu đề xuất.

Đa số SV định hướng nghề nghiệp dựa trên nguồn thông tin được cung cấp từ các mối quan hệ xã hội (gia đình, thầy cô, bạn bè…). Tiếp đến là các nguồn thông tin từ phương tiện truyền thông đại chúng; thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Đặc biệt, rất ít SV định hướng nghề nghiệp thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm. Phần lớn SV nhận thức được tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội như quan hệ bố mẹ, thầy cô, gia đình, bạn bè… trong tìm kiếm việc làm mà lợi ích lớn nhất trong đó là rút ngắn thời gian và chi phí kiếm việc. Nhóm SV có học lực trung bình và trung bình – khá nhận thức về mở rộng mạng lưới xã hội ít hơn so với nhóm SV có học lực xuất sắc. Nhóm có học lực xuất sắc cho rằng, gia đình và bạn bè luôn sẵn sàng cung cấp thông tin việc làm giúp đỡ họ, thông tin càng nhiều càng tăng cơ hội lựa chọn việc làm tốt, phù hợp định hướng nghề nghiệp. Do đó, họ thấy cần chủ động mở rộng các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là với thầy cô giáo và những người quen biết trong các tổ chức đoàn thể mà họ tham gia. Trong khi đó, nhóm SV có học lực trung bình có quan điểm, thông tin việc làm có được từ các mối quan hệ phụ thuộc phần nhiều vào may mắn và mức độ quan hệ của người đó. Vì vậy, mở rộng các mối quan hệ đó hay không không quan trọng bằng tăng cường mức độ gắn kết của bản thân với các mối quan hệ sẵn có. Mặt khác, họ nhận thấy vẫn còn nhiều thời gian tạo dựng các mối quan hệ, không nhất thiết phải… vội vàng mở rộng mạng lưới xã hội để việc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, nhóm SV có gia cảnh khá giả nhận thức về mở rộng mạng lưới xã hội cao hơn nhóm gia cảnh trung bình. Qua phỏng vấn sâu, SV Trịnh Đình Hoàng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Bố mẹ mình làm kinh doanh, quan hệ xã hội khá rộng nên hướng mình vào việc xây dựng tốt các mối quan hệ với mọi người để sau này có thể tìm công việc tốt. Do vậy, mình củng cố chủ động xây dựng các mối quan hệ này”. Tương tự, SV Vũ Thị Lan (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cũng cho hay: “Bố mẹ mình làm nông, gia đình thuộc diện trung bình. Bố mẹ thường khuyên rằng chỉ cần học tốt thôi, vì nếu giỏi các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng nên mình chỉ tập trung việc học”…

Thay đổi để tránh thất nghiệp

Theo nhóm tác giả, mạng lưới xã hội có nhiều vai trò trong vấn đề tìm kiếm việc làm của SV như: rút ngắn thời gian và chi phí tìm kiếm việc; tìm được việc làm với thu nhập cao và ổn định; có nhiều cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo; có được thông tin hữu ích về yêu cầu công việc từ đó hoàn thiện kiến thức và kỹ năng hơn…

Có thể thấy các mối quan hệ trong mạng lưới xã hội của SV đóng vai trò quan trọng đối với việc tìm kiếm việc làm. Cụ thể, SV tìm được công việc qua mạng lưới xã hội nhanh, dễ dàng hơn. Những thông tin về yêu cầu công việc sẽ giúp các em hoàn thiện kiến thức và kỹ năng của bản thân. “SV cần có sự thay đổi để bản thân không nằm trong số thất nghiệp ngay cả khi có đủ kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, phía các trường cũng nên có những hoạt động tăng cường mối liên hệ giữa thầy cô và SV để hỗ trợ SV về mặt thông tin việc làm trên thị trường lao động”, nhóm tác giả đề xuất.

Bùi Thị Vân (đại diện nhóm nghiên cứu) chia sẻ thêm: “Qua đề tài này, nhóm hy vọng đóng góp một phần hữu ích giúp SV có cái nhìn cụ thể về mạng lưới xã hội, nhận thức được tầm quan trọng của nó để suy nghĩ và hành động tích cực hơn trước khi rời ghế nhà trường”.

Bên cạnh đó, nhóm cũng mong muốn các kết quả và khuyến nghị đưa ra có thể kịp thời tác động vào nhận thức của SV, để SV thấy được rằng việc làm từ các mối quan hệ không phải do may mắn mà nhờ sự chủ động mở rộng mạng lưới xã hội. Từ đó, thay đổi hành vi mở rộng mạng lưới xã hội của SV theo chiều hướng tích cực. “Chính sự chủ động mở rộng mạng lưới xã hội sẽ tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với định hướng nghề nghiệp cho SV hơn”, Bùi Thị Vân nói.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)