Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đặc sản Bắc hút khách ở Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng đặc sản Bắc đã được bày bán ở Sài Gòn và bắt đầu hút khách.

Khách hàng tìm mua đặc sản Bắc tại một cửa hàng trên đường Chu Mạnh Trinh (Q.1)

Sẵn sàng lên kệ

Những ai yêu thích đặc sản Bắc chắc hẳn đều biết đến các cửa hàng ở cuối đường Chu Mạnh Trinh, đường Điện Biên Phủ hay Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thông… bởi những điểm bán này gần như cung cấp toàn bộ các loại đặc sản miền Bắc. Mỗi dịp Tết đến xuân về, không chỉ những gia đình có vợ, chồng người Bắc mà nhiều người Sài Gòn cũng ghé mua để làm phong phú thêm bữa cơm ngày Tết.

Mùa nào thức ấy, các loại hoa quả miền Bắc luôn có mặt tại Sài Gòn. Chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán đặc sản Bắc ở cuối đường Chu Mạnh Trinh để tìm mua nếp cái hoa vàng. Dù buổi trưa nắng gắt nhưng nhiều khách hàng vẫn tìm đến mua đặc sản Bắc. Chị Trần Thị An, chủ cửa hàng cho biết thời điểm này chị đã bắt đầu nhận đặt nếp cái hoa vàng khá nhiều. Có khách hàng còn mua với số lượng lớn để gói bánh chưng tặng người thân, đồng nghiệp. Cửa hàng cũng đã bắt đầu nhận đặt bánh chưng, giò chả, thịt đông, su hào gốc Bắc… Đây là những mặt hàng được tiêu thụ rất mạnh vào dịp Tết.

Chị Kiến An (Q.3) có chồng là người Bắc nên không chỉ riêng ngày Tết chị mới tìm mua đặc sản Bắc về nấu những bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, Tết là dịp chị chuẩn bị chu đáo hơn cả để làm phong phú khẩu vị ẩm thực ngày Tết. Vì có rất nhiều khách hàng đều có tâm lý như chị Kiến An nên các cửa hàng bán đặc sản Bắc lại càng đẩy mạnh việc nhập hàng để đáp ứng nhu cầu của khách. Tại một cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản (Q.3), măng lưỡi lợn, chân giò xông khói, bánh tráng dẻo, miếng dong Hà Nội… được bày bán và cũng rất đắt hàng. Theo khảo sát tại một số cửa hàng, giá cả các mặt hàng này vào dịp Tết có khả năng chỉ tăng 10-20%. Cận Tết, lượng hàng hóa thường được vận chuyển từ Bắc vào bằng tàu hỏa hay máy bay tăng gấp đôi ngày thường.

Hương vị quê nhà

Lướt qua một vòng các trang bán hàng trên mạng cũng dễ dàng tìm thấy nhiều chủ tài khoản cá nhân đã rao bán đặc sản Bắc. Đa số tài khoản này đều quảng cáo là họ có người quen tại vùng có các loại đặc sản đó nên có nguồn lấy đảm bảo, tươi ngon và không sử dụng các loại hóa chất độc hại. Không chỉ có các thực phẩm quen thuộc, các loại rau củ quả tươi xanh, mơ, sấu… từ miền Bắc đều được người bán nhập vào Sài Gòn để cung ứng cho người tiêu dùng.

Có thể thấy, đặc sản được bày bán nhiều nhất là các loại bánh chưng từ các làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Theo nhiều khách hàng, bánh chưng được bán tại các cửa hàng ở Sài Gòn có giá không đắt hơn nhiều so với bánh được mua tại Hà Nội. Hương vị bánh chưng đúng là hương vị quê nhà nên nhiều người “săn” cho bằng được món ngon này. Thế nên, dù giá bánh chưng có thể lên đến 250.000 đồng/1 cặp những ngày giáp Tết nhưng vẫn “cháy” hàng.

Những hình ảnh chân giò muối, chân giò xông khói, giò rút xương, cá chép kho riềng, thịt nấu đông, giả cầy, dưa hành… đều được quảng cáo bắt mắt để thu hút khách hàng. Chủ một tài khoản facebook nổi tiếng bán đặc sản Bắc nhiều năm qua cho biết chị phải lên kế hoạch cho khách đặt hàng từ một tháng trước để đảm bảo đủ lượng cung ứng trong những ngày cao điểm.

Có thể thấy, đặc sản được bày bán nhiều nhất là các loại bánh chưng từ các làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Theo nhiều khách hàng, bánh chưng được bán tại các cửa hàng ở Sài Gòn có giá không đắt hơn nhiều so với bánh được mua tại Hà Nội. Hương vị bánh chưng đúng là hương vị quê nhà nên nhiều người “săn” cho bằng được món ngon này. Thế nên, dù giá bánh chưng có thể lên đến 250.000 đồng/1 cặp những ngày giáp Tết nhưng vẫn “cháy” hàng.

Ngoài thực phẩm, nhiều loại trà, trầm hương… cũng khá đắt hàng dịp Tết. Tại thời điểm hiện tại, trà móc câu Thái Nguyên được bày bán tại một cửa hàng trên đường Chu Mạnh Trinh với giá dao động từ 60.000 đến 250.000 đồng cho gói 500 gram. Dự kiến, ngày cận Tết, mặt hàng này sẽ tăng không đáng kể.

“Hơn 10 cái Tết bán đặc sản Bắc, tôi cảm nhận được niềm vui của những người xa xứ khi được thưởng thức đặc sản quê nhà tại Sài Gòn. Có người còn đặt ở cửa hàng tôi loại xôi, bánh đúc được mang từ Bắc vào bằng máy bay. Thế mới biết hương vị quê nhà mang nhiều ý nghĩa như thế nào”, bà Phẩm, chủ một cửa hàng trên đường Trần Quốc Toản bộc bạch. Giữa Sài Gòn nhộp nhịp, hối hả, những cửa hàng bán đặc sản Bắc mang đến cho những người xa xứ những món ăn gợi nhớ một thoáng quê nhà, nhất là dịp Tết đến xuân về.

Bài, ảnh: Thục Quyên

Bình luận (0)