Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giảng viên bị stress nghề nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ gần 4% giảng viên chưa xuất hiện dấu hiệu stress nghề nghiệp, trong khi có tới 90% có dấu hiệu của stress nghề nghiệp ở mức  độ thấp và hơn 6% có dấu hiệu stress trầm trọng. Số liệu này cho thấy quan niệm giảng dạy ĐH là một công việc nhẹ nhàng, không quá vất vả và căng thẳng là chưa chính xác.

Giảng viên một trường ĐH tại TP.HCM trong giờ dạy tin học. Ảnh: M.Tâm

Đây là thông tin được đưa ra từ nghiên cứu trên 333 giảng viên các trường ĐH thành viên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (như Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế…) do tác giả Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) thực hiện, trình bày trong tham luận tại Hội thảo “Tâm lý học và sự phát triển bền vững con người trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM mới đây.

Stress nặng có xu hướng… bỏ việc

Nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ nữ giảng viên bị stress nghề nghiệp cao hơn đồng nghiệp nam. Cụ thể, có tới 90% nữ giảng viên bị stress nghề nghiệp ở mức độ trung bình, trong đó 88,5% nam giảng viên cũng mắc ở mức độ này. Riêng stress nghề nghiệp mức độ cao thì cả nam và nữ giảng viên đều như nhau. Đặc biệt, những giảng viên có thâm niên công tác từ 1-5 năm (vừa ra trường, đang được đào tạo thành giảng viên chuyên nghiệp, phải đảm nhận nhiều vai trò cùng một thời điểm như học tập, nghiên cứu khoa học, giảng dạy…) bị stress nghề nghiệp ở mức độ cao. Trong khi đó, những giảng viên có thâm niên công tác lâu hơn không bị stress nghề nghiệp ở mức độ nặng.

Stress nghề nghiệp ở giảng viên biểu hiện rõ nét nhất ở tình trạng mất hứng thú đối với nghề nghiệp cũng như thông qua vấn đề sức khỏe, các mối quan hệ cá nhân. Theo đó, những giảng viên bị stress nặng thường khó tập trung làm việc (chiếm 57%), thường ít gặp bạn bè (chiếm 71%) và 28% thường phản ứng quá đáng trước những sự việc nhỏ. Theo tác giả, với tình trạng stress kéo dài, điều này dễ ảnh hưởng đến việc ra quyết định chính xác, nhất là mất đi sự tự tin, giảm sút chất lượng làm việc.

Qua thực tế điều tra, đa phần giảng viên không để ý đến những thay đổi về tâm lý hay thể chất khi bị stress ảnh hưởng. Kết quả điều tra cho thấy, trong số những giảng viên bị stress ở mức độ vừa và cao thì tới 35% bị suy giảm sức khỏe thể chất; 26% mắc các bệnh mãn tính như đau dạ dày, viêm đường hô hấp; gần 28% tăng hoặc giảm cân quá nhanh.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, những giảng viên bị stress ở mức độ nặng và vừa có xu hướng từ bỏ công việc hiện tại cao hơn nhiều lần so với số không mắc stress nghề nghiệp.

Sàng lọc stress nghề nghiệp định kỳ

Theo nghiên cứu của tác giả Phạm Mạnh Hà, ảnh hưởng rõ nét nhất của stress nghề nghiệp ở mức độ nặng đối với giảng viên là mất khả năng tập trung và hay quên (71% giảng viên thường xuyên gặp tình trạng này). Gần 43% giảng viên thường xuyên gặp khó khăn trong việc ra các quyết định quan trọng; gần 29% thường xuyên tự ti và bứt rứt khó ngủ.

Trong số các nguyên nhân thì sự quá tải trong công việc là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới mức độ stress nghề nghiệp của giảng viên. Mức quá tải này không chỉ xuất phát từ khối lượng công việc giảng viên đảm nhận, mà từ chỗ họ phải làm thêm nhiều việc ngoài chuyên môn khác để tạo thêm thu nhập. Bên cạnh đó, giảng viên không nhìn thấy tương lai của nghề nghiệp, thu nhập không đủ chi tiêu là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất vọng, buồn nản, thiếu ý chí phấn đấu trong công việc ở họ. Ngoài ra, các nhân tố khách quan của cuộc sống gia đình, xã hội cũng ảnh hưởng đến mức độ stress của giảng viên.

Mức độ stress của giảng viên càng trầm trọng hơn khi nhiều nhân tố ảnh hưởng cùng một lúc như: điều kiện lao động, công việc quá tải, mâu thuẫn trong cơ quan hay gia đình…  “Thực tế cho thấy, ảnh hưởng đến stress của giảng viên không chỉ có từng nguyên nhân đơn lẻ mà bao giờ cũng là một tổ hợp nhiều yếu tố cùng lúc tác động đến khả năng chống đỡ của giảng viên. Nếu giảng viên không có các biện pháp ứng phó hiệu quả, mức độ stress sẽ ngày càng trầm trọng”, tác giả cảnh báo.

Muốn hạn chế nguy cơ stress nghề nghiệp cho giảng viên, theo tác giả Phạm Mạnh Hà, bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, nhà quản lý cần chú ý tạo điều kiện để giảng viên tham gia nhiều hơn các hoạt động khoa học, làm chủ đề tài, dự án… để phát triển chuyên môn, đảm bảo thu nhập. Đặc biệt, cần đưa sàng lọc stress nghề nghiệp vào chế độ chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động. Những giảng viên bị stress nặng cần được hỗ trợ can thiệp y tế kịp thời…

Thục Trân

Bình luận (0)