Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, hơn 1.000 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh (TP.HCM) đã tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa về văn hóa Nam bộ do Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ thực hiện với chủ đề “Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Linh tham gia diễn trích đoạn tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất 938 của Ngô Quyền

Buổi sinh hoạt dành nhiều thời gian nói về phong tục ngày Tết do diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chủ trì. Điều thú vị là buổi sinh hoạt diễn ra khi không khí chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền đang đến gần.

Vui Tết cổ truyền nhớ Tổ tiên

Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, lễ vật ngày Tết cổ truyền ở 3 miền có những điểm chung và riêng, nhưng tất cả đều hướng tới ý nghĩa kính nhớ Tổ tiên. Nếu miền Bắc phải mâm cao cỗ đầy, chuẩn bị ít nhất 4 bát, 4 đĩa, nhất là phải có bánh chưng, bánh giầy theo truyền thuyết Lang Liêu cùng cành đào đỏ thắm mang ý nghĩa cầu chúc điều tốt lành cho gia chủ trong năm mới, thì miền Trung có các món tré, chả, nem hoặc thịt bò, thịt heo ngâm với nước mắm và đặc biệt là thịt luộc cuốn bánh tráng…; hoa ngày Tết có mai, đào, cúc, vạn thọ…; trái cây thường nhiều màu sắc tượng trưng “Ngũ hành tương sinh” thay lời chúc tụng phúc lành đầu năm. Trong khi đó, miền Nam không thể thiếu canh khổ qua, thịt kho trứng, cá nướng, dưa kiệu. Ngoài ra, trên bàn thờ Tổ tiên còn có cành mai, mâm ngũ quả với những trái cây chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam là “cầu vừa đủ xài”, thêm chân đế ba trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng.

Cũng theo diễn giả, dân ta lựa ngày Ngũ Phúc cuối cùng của năm là 23 tháng Chạp để làm lễ cúng tiễn ông Táo bay về Trời. Ngày 30 rước ông Táo về mang ý nghĩa rước lửa mới. Sau khi cúng rước ông bà, cả nhà háo hức chờ đón đêm giao thừa và rồi “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, vui chơi, thăm viếng họ hàng. Đặc biệt, mùng 3 Tết thường cúng gà nguyên con vì gà tượng trưng giá trị của ngũ đức (văn – võ – nghĩa – tín – dũng)… Không chỉ thế, câu chuyện về đôi đũa ăn hằng ngày cũng mang một triết lý sống chẳng những đoàn kết trong bà con họ hàng mà còn là sự đoàn kết của cả dân tộc. Mâm trầu cau trong ngày cưới với 64 lá trầu tượng trưng 64 quẻ trong triết lý Kinh Dịch, 36 trái cau tượng trưng Lục Hòa (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, lợi hòa, giới hòa) ứng với lục phương (đông – tây – nam – bắc – thượng – hạ) cũng được giới thiệu đến trong buổi sinh hoạt.

Tích cực đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường

Bên cạnh những chia sẻ thú vị về Tết cổ truyền, diễn giả Hồ Nhựt Quang còn dành thời gian nói về các loại hình nghệ thuật độc đáo của văn hóa Nam bộ như hát bội, cải lương. Điều thú vị là một số học sinh được tham gia biểu diễn trong trích đoạn tái hiện chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất 938 của Ngô Quyền (tương ứng với năm Mậu Tuất 2018) cùng các diễn viên của câu lạc bộ. Em Nguyễn Lai Gia Bội (lớp 11A1) chia sẻ: “Khi tham gia tập luyện cùng các nghệ sĩ trong câu lạc bộ, em được hiểu thêm về loại hình cải lương. Bởi từ trước tới giờ em cứ nghĩ cải lương chỉ có những người thuộc thế hệ ba mẹ em mới thích. Nhưng từ khi tham gia luyện tập và được các cô chú chỉ bảo, em thấy mình không chỉ hiểu mà còn thêm tự hào về văn hóa dân tộc”.

Thầy Đoàn Nhật Quang (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết để giáo dục học sinh về văn hóa âm nhạc dân tộc, trường đã tổ chức giới thiệu về sân khấu cải lương. Hiện tại trường đã thay tiếng chuông báo chuyển tiết bằng bài Trống cơm, Lý ngựa ô, Bắc kim thang… Sắp tới, trường sẽ thành lập câu lạc bộ âm nhạc dân tộc để học sinh lẫn giáo viên cùng tham gia.

Ngọc Anh

Bình luận (0)