Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tự động hóa vẫn không thể thiếu con người

Tạp Chí Giáo Dục

Xu hướng tự động hóa, đưa máy móc vào vận hành ở một số ngành nghề kéo theo thị trường lao động cần nguồn lao động có trình độ chuyên môn cao.

Người lao động tìm việc tại Ngày hội hướng nghiệp dạy nghề lần 5 năm 2017 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức

Lao động thiếu tính cạnh tranh

Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, thị trường lao động và tạo việc làm ở Việt Nam có phát triển nhưng chưa hoàn thiện, chất lượng cung có tăng nhưng tính cạnh tranh thì chưa có dấu hiệu tích cực. Ông Ngô Đăng Huy (chuyên gia lao động tại TP.HCM) cho rằng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế đối với các doanh nghiệp khiến tỷ lệ người lao động mất việc cao. Thêm nữa, với sự đòi hỏi về chất lượng lao động ngày càng cao cho các doanh nghiệp FDI khiến một lượng lớn lao động mất việc và có nguy cơ mất việc, nhưng chính sách giới thiệu việc làm và học nghề cho đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức. Đó là chưa kể số lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm nhưng không có cơ hội tham gia các lớp đào tạo nghề.

Phân tích sâu hơn, ông Huy khẳng định tại Việt Nam, đối tượng yếu thế, đặc thù chưa được chú trọng tạo việc làm, đây cũng là gánh nặng cho xã hội. Thực tế có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức ngày hội, sàn giao dịch việc làm ở khắp nơi nhưng quy mô nhỏ, ăn xổi ở thì chưa kết nối được người lao động với doanh nghiệp. Đề cập nguyên nhân tại sao lao động Việt Nam khó chen chân trong các doanh nghiệp FDI, ông Huy cho rằng do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt là các ngành nghề mới, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thanh Điền (thành viên nhóm Đề án công nghiệp hỗ trợ TP.HCM) thừa nhận trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Lâu nay, các cơ sở có thứ gì thì tổ chức tuyển sinh, đào tạo thứ đó chứ chưa có thiết bị hiện đại, ngang tầm khu vực thì càng khó. Kết quả là số lao động đã qua đào tạo liên tục tăng nhưng họ không thể tiếp cận được với doanh nghiệp.

Bà Angie Phang (Tổng Giám đốc Jobstreet.com) cho biết mùa cao điểm tuyển dụng tại Việt Nam là từ tháng 1 đến tháng 6 hàng năm. Cơ hội tăng trưởng việc làm ở Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM là nhờ tăng trưởng dòng vốn FDI, theo đó có đến 68% doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng kinh doanh. Mức lương ở một số nghề nghiệp cũng đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Các nhóm lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao tại Việt Nam là sản xuất, thương mại và kỹ thuật – xây dựng. Cơ hội là vậy nhưng thách thức cũng không nhỏ. Bà Angie Phang khẳng định, doanh nghiệp sẽ gặp khó khi tìm lao động có kỹ năng, tay nghề cao.

Gian nan tìm lao động xuất khẩu

Trong năm 2017, TP.HCM đã giới thiệu 14.212 người đi làm việc ở nước ngoài. Đây là con số khá khiêm tốn trước thị trường lao động đầy tiềm ăn của khu vực ASEAN. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thành phố hiện có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động, 20 chi nhánh đặt tại TP.HCM với các đối tác: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đây là những thị trường lao động khó tính nhưng có thu nhập cao. Cầu là vậy nhưng việc cung thì tìm “đỏ mắt” không có nguồn lao động đạt yêu cầu. Riêng lao động xuất khẩu các ngành xây dựng, cơ khí thì đáp ứng được yêu cầu về trình độ nghiệp vụ cơ bản, có kỹ năng nhưng không đáp ứng được trình độ ngoại ngữ và phải mất ít nhất 6 tháng đào tạo.

TS. Nguyễn Thanh Điền cho rằng thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra tình trạng các trung tâm, doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu phí cao so với quy định, thậm chí lừa người lao động bằng nhiều hình thức. Cụ thể là các tổ chức, cá nhân không có chức năng môi giới xuất khẩu lao động nhưng vẫn tuyên truyền, tổ chức đưa người đi lao động nhằm trục lợi bất chính. “Có quá nhiều thông tin được thổi phồng về việc làm, thu nhập… ở nước ngoài song thực tế không phải vậy. Thị trường lao động xuất khẩu là thị trường tiềm năng nhưng chúng ta đánh mất cơ hội để phát triển”, ông Điền đánh giá.

Ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết để chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị xuất khẩu lao động, sở sẽ rà soát, thông tin công khai các địa chỉ sai phạm và có hướng xử lý nghiêm. Đồng thời sẽ nắm bắt nhu cầu người lao động đi làm việc ở nước ngoài để kết nối, giới thiệu tham gia các chương trình đi làm việc do Chính phủ Việt Nam ký kết với các nước. Hoặc tổ chức các buổi gặp gỡ với doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tư vấn các thị trường phù hợp với chuyên môn, năng lực tài chính. Trong năm 2018, phấn đấu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 15.000 người.

T.Anh

Bình luận (0)