Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kể chuyện, đọc sách để tương tác với trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Ích lợi của hoạt động đọc sách cùng trẻ thì dường như phụ huynh nào cũng biết đến. Nhưng để thực hiện công việc khuyến đọc này hiệu quả thì lại là một câu chuyện khác, với nhiều khó khăn. Một trong những vấn đề nan giải mà phụ huynh thường than phiền là không biết làm cách nào để khoảng thời gian đọc sách cùng trẻ trở nên thú vị, sinh động, khiến trẻ cảm thấy say mê cùng việc đọc. Quả thực, nếu chỉ đơn giản cùng trẻ đọc các văn bản có ở từng trang sách, hết dòng trước đến dòng sau, hết trang này đến trang nọ, thì những buổi trải nghiệm cùng sách giữa phụ huynh và trẻ sẽ trở nên nhàm chán theo thời gian, bởi sự lặp lại, gò bó. Thế nên, người lớn cần hướng đến phương pháp đọc sách một cách có sự tương tác.

Là khái niệm không quá mới với những độc giả tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, nhưng thuật ngữ đọc sách tương tác (interactive reading) lại có vẻ như chưa được biết đến nhiều ở nước ta. Như chính tên gọi của nó, đọc sách tương tác luôn chú trọng đến việc trao đổi và thảo luận, để từ đó hướng đến tính ứng dụng thực tiễn, thay vì chỉ dừng lại ở thao tác đọc – biết như cách đọc thông thường. Vậy phụ huynh triển khai đọc sách tương tác cùng trẻ như thế nào?

Trước hết, phụ huynh cần dành thời gian nghiên cứu trước nội dung sách sẽ đọc cùng trẻ. Thường lấy lý do bận rộn, người lớn ít quan tâm đến thao tác này. Khi nắm bắt trước các nội dung, phụ huynh sẽ chủ động lên kế hoạch và tiến trình đọc. Theo đó, phụ huynh có thể tự mình thiết kế một số mô hình bằng giấy, tranh ảnh hoặc trò chơi tương tác liên quan đến các nội dung sẽ đọc. Để thực hiện khâu chuẩn bị này, phụ huynh có thể tham khảo các bài viết trên internet hoặc tìm mua sách hướng dẫn tại nhà sách. Nếu không có thời gian chuẩn bị cho các đạo cụ, trò chơi, phụ huynh có thể soạn thảo sơ bộ (trong tâm trí mình) một số câu hỏi về những nội dung sẽ đọc cùng trẻ. Đây là hướng giải quyết dễ thực hiện và đem lại nhiều kết quả tích cực nếu triển khai đúng cách. Các câu hỏi này cần gắn với những trải nghiệm mà trẻ đã từng có; ví dụ như các tình huống đã diễn ra trong gia đình, những câu chuyện đã cùng trẻ đọc trước đây, các bộ phim mà trẻ đã từng xem… Theo đó, các câu hỏi này không những giúp trẻ kích thích sự liên tưởng, tư duy nối kết để dọn đường cho trẻ tiếp thu nội dung mới của buổi đọc, mà còn giúp trẻ tăng cường trí nhớ đối với các nội dung được tiếp nhận trước đây. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý: khi hỏi trẻ phải linh hoạt, khéo léo trong cách dẫn dắt, tạo tâm lý thoải mái phù hợp, tránh khô cứng, gượng ép hoặc áp lực đối với trẻ. Các thủ pháp so sánh, liên hệ, liên tưởng, sáng tạo… khi đọc cũng là những “món ăn” thú vị giúp phụ huynh làm phong phú thêm cho “bàn tiệc” đọc sách cùng trẻ.

Hiện nay, bắt nhịp với xu hướng xuất bản hiện đại của thế giới, dòng sách tương tác (interactive book) cũng đang dần phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, phụ huynh cũng nên hạn chế phụ thuộc vào sách tương tác. Bởi mỗi trẻ có tư duy nhận thức, nhịp tiếp nhận khác nhau… mà chỉ có phụ huynh mới có thể hiểu rõ. Thế nên, tương tác trong đọc sách cũng phải được thiết kế từ các yếu tố này thì việc đọc mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất. Không phải cứ mua sách tương tác về, rồi phó mặc cho trẻ tự tìm hiểu thì sẽ tốt cho trẻ, mà có khi lợi bất cập hại.

Đơn Thun

 

Bình luận (0)