Hãy thay đổi chính mình, không ngừng học tập, trang bị vốn kiến thức và kỹ năng sống là cách duy nhất để hòa cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trở thành một công dân toàn cầu. Đây là lời khuyên thiết thực được các chuyên gia đưa ra trong chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) vừa qua.
Song song với chương trình tổ chức tại TP.HCM và Bình Dương, tại Kiên Giang cũng diễn ra chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Sóc Sơn đang nghe chuyên gia nói về sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những điều kiện nào để trở thành công dân toàn cầu. Ảnh: P.Hoàng |
Chương trình có sự đồng hành của ĐH Tân Tạo và ĐH FPT, không chỉ mang đến những kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mà còn mở ra cách nhìn về ngành nghề trong tương lai, những cơ hội, thời cơ và cả thách thức… với hơn 500 học sinh khối 12 của trường.
Dám đứng lên để thay đổi
“Xã hội luôn đầy rẫy những lời phê phán như ùn tắc giao thông, y tế chậm phát triển… Nhưng tại sao, thay vì ngồi đó than vãn, chúng ta – những người trẻ lại không tự đứng lên để thay đổi?”, đó là câu hỏi đầy day dứt được ThS. Dương Hoài An (Phó Giám đốc Ban sinh viên, Trường ĐH Tân Tạo) đưa ra.
Theo ThS. An, giới trẻ Việt hiện nay thường ít có những mối bận tâm hơn so với giới trẻ nước ngoài, bởi thiếu hai điều đó là định hướng và sự trải nghiệm. Trong khi đó, thế giới hiện tại lại luôn phức tạp, đa dạng và thay đổi theo từng ngày, đặc biệt trong cuộc CMCN 4.0. Để hòa nhập với thế giới, mỗi người trẻ cần phải nỗ lực để trở thành một công dân toàn cầu. “Không nhất thiết cứ phải xuất ngoại mới trở thành công dân toàn cầu. Ngay ở Việt Nam, nếu các em trang bị cho bản thân những kỹ năng như học tập suốt đời, hiểu và thành thạo thật nhiều lĩnh vực, biết áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và phải có một ước mơ lớn…, các em cũng sẽ trở thành những công dân toàn cầu, làm chủ bản thân và tương lai”, ThS. An nói.
Trong đó, ThS. An nhấn mạnh, chỉ cần có ước mơ đủ lớn, mọi thứ chỉ là chuyện nhỏ. “Cơ hội lúc nào cũng xung quanh các em, chỉ là ai dám đứng lên để thay đổi, để khởi nghiệp. Đơn giản như mặt hàng bông ngoáy tai, chỉ cần 1/3 dân số TP.HCM dùng thôi cũng đủ có một thị phần, chỗ đứng”, ThS. An khẳng định.
Xóa nhòa khoảng cách giữa hư và thực
Đó là khẳng định của ThS. Nguyễn Mai Lâm (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Truyền thông quốc tế Restart) về thế giới trong cuộc CMCN 4.0. Theo ThS. Lâm, cuộc CMCN 4.0 là sự kết hợp của kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học. Trong đó, kỹ thuật số bao gồm trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối internet và nguồn dữ liệu lớn, công nghệ sinh học sẽ mang tới sự thay đổi một cách mạnh mẽ trong y tế và nông nghiệp. “Cuộc CMCN 4.0 cho phép biến những điều không tưởng thành sự thật, xóa nhòa khoảng cách giữa hư và thực, thậm chí còn thay đổi cả hệ thống tư pháp quốc tế. Như xe không người lái, ngôi nhà có bộ óc nhận dạng chủ, robot có bộ óc, cảm xúc như con người được cấp quyền công dân…”, ThS. Lâm chia sẻ.
Trước những biến động đó, ThS. Lâm cho biết nhiều nhóm ngành nghề mới sẽ lên ngôi thay thế cho những ngành nghề không còn phù hợp. Sẽ không có chỗ đứng cho lao động phổ thông mà máy móc, robot sẽ thay con người làm rất nhiều việc.
ThS. Nguyễn Mai Lâm (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và Truyền thông quốc tế Restart) tư vấn trong chương trình |
Thách thức đặt ra cho người trẻ hiện nay, theo ThS. Lâm, đó là phải thay đổi để hòa nhập, bắt kịp, dẫn đầu trong cuộc CMCN 4.0, trở thành một công dân toàn cầu. “Nền tảng giáo dục vẫn là thứ cốt lõi để tạo ra nền công nghiệp 4.0. Bởi vậy, chỉ có học tập chúng ta mới không bị đào thải. Trong đó, vốn ngoại ngữ là điều tiên quyết. Bên cạnh đó là kỹ năng về giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng làm chủ công nghệ thông tin…”, ThS. Lâm nhắn nhủ.
Quan điểm học sàn sàn… xưa rồi
“Mọi thứ có giá trị trên cõi đời này đều phải trả giá bằng sự đau khổ vĩ đại”, đây là điều mà ThS. Lê Hồng Ngọc (Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) nhắn nhủ đến các em học sinh Trường THPT Thạnh Lộc.
ThS. Ngọc nhận định, quan điểm về sự học “sàn sàn” rồi ra trường kiểu nào cũng có việc làm, không việc này cũng việc kia, xưa lắm rồi. “Ngay cả xe còn tự lái thì cần gì đến xe ôm, taxi. Bồi bàn có robot rồi, cần gì đến người phụ vụ. Thậm chí, muốn làm công nhân, các em cũng phải là một người công nhân công nghệ, có kiến thức và am hiểu về công nghệ thông tin, về điện tử viễn thông… Vì thế, các em có thể lựa chọn học bất kỳ môi trường nào, bất kỳ ngành nghề nào nhưng phải luôn sẵn sàng đón nhận cuộc CMCN 4.0, trang bị một vốn ngoại ngữ, kiến thức sâu rộng về văn hóa, kỹ năng kỷ luật tôn trọng bản thân và kỹ năng hội nhập tính xung kích trong công việc, nếu không muốn bị đào thải, bị loại khỏi cuộc chơi”, ThS. Ngọc phân tích.
Quân Yến
Bình luận (0)