Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2019-2020 được ngành GD-ĐT TP.HCM đề ra là đẩy mạnh giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh thành phố, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 19 của Thành ủy về “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, Q.1) ăn sáng với các em học sinh trong không gian xanh mát với hoa, trái phủ đầy sân trường
Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã và đang tích cực xây dựng mô hình “Trường học xanh”. Mô hình này không chỉ góp phần làm thay đổi cảnh quan trường lớp mà qua chính những hoạt động triển khai còn giáo dục học sinh ý thức về bảo vệ môi trường, rèn luyện nề nếp sinh hoạt.
“Vườn cây thuốc nam” là mô hình được Trường TH Nguyễn Văn Nở (Q.Thủ Đức) mạnh dạn xây dựng trong năm học vừa qua. Theo đó, tận dụng khoảng vườn trường, nhà trường trồng những loại cây thuốc gần gũi như lô hội, bạc hà, húng quế và giao cho học sinh từng lớp nhiệm vụ trông coi, chăm sóc. Bên cạnh vườn thuốc nam, vườn rau xanh cũng được nhà trường hình thành với những loại rau xanh dễ trồng, học sinh tham gia làm đất, gieo mầm, nhổ cỏ, tưới rau. Cạnh đó, không gian từng lớp học cũng được phủ xanh bằng những cây kiểng nhỏ. Vào những giờ ra chơi, học sinh các lớp cùng nhặt lá vàng úa, tưới nước cho cây…
Tại Trường TH Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), ngoài mô hình “Vườn cây thuốc nam”, “Vườn rau xanh”, nhà trường còn đầu tư mở rộng thêm nhiều mảng xanh trong khuôn viên, thư viện ngoài trời, các lớp học và nhà vệ sinh với đa dạng về số lượng và chủng loại cây xanh. Từ cây bóng mát như bàng, mai anh đào, bằng lăng cho đến cây ăn quả như khế, mít, chuối, xoài. Các loại cây dây leo cũng được nhà trường tận dụng trồng, leo giàn xung quanh trường như nho, bầu, bí, mướp… Góp phần tô điểm thêm cho khuôn viên trường còn là gần 800 cây hoa các loại không ngừng khoe sắc, tỏa hương. Theo thầy Trương Quốc Hưng (Hiệu trưởng nhà trường), năm học vừa qua nhà trường cũng đã thay thế hoàn toàn bóng đèn thường bằng các bóng đèn led để tiết kiệm điện, thay thế các van nước cũ bằng những van nước tự động để giảm lượng nước thải. Nhà trường cũng luôn khuyến khích thầy cô đẩy mạnh việc sử dụng các vật liệu tái chế trong việc trang trí lớp, làm đồ dùng dạy học vừa tiết kiệm chi phí, kích thích sự sáng tạo vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Trong từng tiết dạy, những hoạt động ngoại khóa, nội dung về bảo vệ môi trường cũng được thầy cô lồng ghép một cách đa dạng, sinh động và thực tế. “Để học sinh hình thành ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường thì hoạt động này cần phải được tuyên truyền thường xuyên, liên tục qua cả lời nói và hành động. Khi học sinh được tham gia trong những hoạt động này, các em sẽ hiểu hơn, tự giác hơn, từ đó công tác giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao”, thầy Hưng chia sẻ.
Còn tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), mặc dù quỹ đất hạn chế nhưng nhiều năm nay nhà trường cũng đã nỗ lực mang mô hình “Trường học xanh” đến với học sinh. Cây xanh được “khỏa lấp” những khoảng trống trong khuôn viên trường, lớp học. Song song đó, nhà trường đẩy mạnh công tác phân loại rác thải, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa và lồng ghép trong những tiết học sáng tạo. Cô Phạm Đoan Trang (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, quyền được thụ hưởng một môi trường giáo dục thân thiện, xanh – sạch – đẹp là quyền của mỗi học sinh. Không có khuôn viên rộng để trồng cây xanh thì nhà trường sẽ mang đến cho các em một môi trường học tập sạch sẽ và thân thiện, một môi trường học tập không xả rác, tiết kiệm năng lượng từ chính những việc làm cụ thể.
Chuyển từ nhận thức sang hành động cụ thể Năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các trường học, tùy theo đơn vị, bậc học đưa ra nhiều giải pháp hay, thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường. Căn cứ vào lứa tuổi học sinh để có những phương pháp giáo dục hiệu quả, phù hợp. Đồng thời, khuyến khích các trường trong năm học này chủ động tổ chức những cuộc thi về bảo vệ môi trường như vẽ tranh, thiết kế thời trang bảo vệ môi trường, tìm hiểu về pháp luật bảo vệ môi trường… để chuyển từ nhận thức của học sinh sang hành động cụ thể. Ông Trần Nguyên Thục (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhấn mạnh: “Muốn xây dựng trường học xanh cần thay đổi từ những hành vi nhỏ nhất trong việc bảo vệ môi trường. Các trường cần có sự khen thưởng, động viên học sinh một cách kịp thời để khích lệ. Tùy theo đặc thù từng trường mà có sự quan tâm sâu đến các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đây phải là các giải pháp thực hiện xuyên suốt, liên tục. Sở GD-ĐT sẽ có những đánh giá kết hợp với kiểm tra thường xuyên để nhìn nhận hoạt động tuyên truyền, bảo vệ môi trường của các trường”. |
Vườn cây sai trái là cảnh tượng đầy ấn tượng tại Trường THCS Minh Đức (Q.1) trong những ngày đầu năm học mới này. Theo đó, những cây ăn trái như ổi, bưởi, chuối, gấc; các luống đậu bắp, mướp… không chỉ được trồng trong vườn trường mà còn leo phủ những mái che mưa nơi phụ huynh chờ đón con. Sân chơi bóng đá của học sinh cũng được phủ một màu xanh mướt mắt bởi những cây dây leo. Cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng nhà trường) kỳ vọng màu xanh của hoa trái sẽ mang đến những ngày học tập hiệu quả cho học sinh. Đồng thời, từ chính sự chung tay chăm sóc vườn trường sẽ hình thành trong mỗi học sinh ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường, gìn giữ thiên nhiên.
Trong khi đó, tại Trường THPT Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú), thầy Nguyễn Văn Cường (Hiệu trưởng nhà trường) kiên quyết giữ lại khoảng đất rộng của nhà trường để làm vườn thực vật và vườn trường. Trong khuôn viên vườn trường, những ô đất nhỏ được phân ra, chia đều cho từng lớp tự lên kế hoạch trồng rau, chăm sóc và thu hoạch. Ngoài ra, nhà trường cũng mạnh dạn sử dụng nguồn lực của phụ huynh để thực hiện những giàn rau thủy canh, vừa làm xanh không gian trường, vừa mang đến những giờ học độc đáo, mới mẻ cho học sinh. “Học sinh đến trường nếu chỉ thấy những khoảng trắng của bê tông thì các tiết học có thể vì thế mà nhàm chán. Nhưng khi đến trường, các em được đối diện với hoa lá, cây xanh, được hòa mình vào với thiên nhiên, tìm thấy niềm vui khi cùng bạn bè làm cỏ, xới đất, trồng rau; được học những bài học ý nghĩa từ chính quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng… thì việc học sẽ phần nào nhẹ nhàng, hiệu quả hơn”, thầy Cường phân tích.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)