Thí sinh thi THPT quốc gia 2017 tại Hội đồng thi Trường ĐH KHTN TP.HCM. Ảnh: M.Tâm |
Bộ GD-ĐT đã công bố bộ đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, nội dung thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và 12. Nhìn vào cấu trúc, đề thi tham khảo môn văn có hai phần (I. Phần “Đọc hiểu” gồm 4 câu hỏi và II. Phần “Làm văn” có 2 câu).
Phần “Đọc hiểu” thường được trích dẫn một đoạn văn nghị luận về đối nhân xử thế hoặc về kỹ năng sống và thí sinh lần lượt trả lời các câu hỏi. Phần “Làm văn” thì câu 1 yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn (200 chữ) nêu suy nghĩ, bình luận của bản thân về nội dung đoạn trích trên. Câu 2 là phân tích, cảm nhận một nhân vật trong chương trình lớp 12. Riêng năm nay có “kèm” theo một nhân vật của lớp 11 có những nét tương đồng để so sánh, đối chiếu, nhận xét… Dạng đề thi như thế này là an toàn, không sợ mắc phải những sơ sót không đáng có. Chính vì thế tôi dự đoán đề thi chính thức môn văn năm nay chắc… cũng vậy, chỉ “đá” qua một vài khía cạnh về một nhân vật đã học ở lớp 11. Còn lại cứ “bình bình”, chưa thấy độ sắc sảo, sự đột phá trong cách ra đề để học sinh có cảm hứng làm bài. Cách ra đề như thế này – nói thiệt tình – chỉ cần học thuộc những gạch đầu dòng trong đề cương của thầy cô ôn tập, cứ theo những ý chính mà “phăng” ra; chẳng cần mấy sự sáng tạo trong cảm nhận, phân tích nhân vật…
Theo tôi, một đề thi phải mang tính hấp dẫn; luôn khơi gợi cho học sinh sự tìm tòi, sự phán đoán và định hướng đúng cho lời giải. Kiểu đề thi này cũng giống như đề thi tốt nghiệp mấy năm qua; chủ yếu bắt buộc học sinh học thuộc lòng bài giải của thầy cô khi ôn thi. Và tôi cũng không hiểu: học sinh lớp 12, học văn từ lớp 1 đến lớp 12 mà không phân tích, cảm nhận nổi một nhân vật trong một truyện chưa học hoặc một bài thơ, đoạn thơ ngoài chương trình! Thành ra, các em được “mớm” văn chương, nhai lại câu chữ của thầy cô chứ không phải những lời phân tích, cảm nhận đó xuất phát từ lòng mình. Có thể nên mạnh dạn đưa một đoạn thơ, bài thơ ngoài chương trình cho học sinh tự cảm nhận, phân tích.
Kiểu đề thi như đề tham khảo này chỉ mang tính chất kiểm tra việc học thuộc lòng, chứ không phát huy được tính sáng tạo, năng động của học sinh. Đề còn khô khan, còn sáo mòn trong cách hỏi, trong câu chữ… Nhưng nếu nhằm mục đích để cho học sinh đạt điểm an toàn thì nên ra đề theo dạng xưa này! Vì đề thi kiểu này sẽ dễ dàng hơn khi ôn tập; cứ theo “công thức” mà làm bài thì sẽ có điểm cao.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)