Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chìa khóa vẫn là sự học

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (huyện Hóc Môn) vừa qua.

TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) tư vấn cho học sinh về kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu

Bên cạnh việc trang bị cho học sinh kiến thức, hành trang để trở thành công dân toàn cầu, chương trình còn đặt ra nhiều vấn đề mang tính “sinh tồn” trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đến ngành nghề trong xã hội và cơ hội nghề nghiệp.

Kỹ năng “5S”

Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM), cuộc CMCN 4.0 là sự lên ngôi của công nghệ thông tin, vạn vật kết nối internet, mở ra những cơ hội song hành cùng những thách thức. Để hòa cùng thời cuộc, chúng ta phải trang bị cho mình những kỹ năng để trở thành những người công dân toàn cầu. Làm sao để ăn được, ở được, sống được, hội nhập được với bất cứ quốc gia nào. “Các em phải tạo cho mình được kỹ năng 5S, đó là: kỹ năng sống còn để trở thành người công dân toàn cầu, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh, kỹ năng tư duy sáng tạo phản biện và quan trọng nhất là kỹ năng học tập suốt đời”, TS. Tùng nhấn mạnh.

Trong đó, theo TS. Tùng, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo nghĩa là mình phải biết chấp nhận sự khác biệt của người khác. Hãy nghĩ lớn, vượt ra ngoài những chiếc hộp của lạc hậu, những chiếc hộp đóng khuôn ở trường, ở lớp, ở nơi mình đang sinh sống.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hà Thanh Tân (Giám đốc Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Tân Tạo) cho rằng, chìa khóa của một người công dân toàn cầu trong cuộc CMCN 4.0 là sự học. Không nhất thiết học một nghề mà chỉ làm một nghề, làm đúng ngành nghề. Quan trọng là sự linh hoạt, biến những khuyết điểm trở thành ưu điểm để tìm kiếm những cơ hội, đột phá bản thân.

Theo ông Tân, mô hình giáo dục khai phóng chính là mô hình của sự học hướng người học tới công dân toàn cầu. Tức là mở ra và giải phóng tư duy cho người học. Trong mô hình giáo dục khai phóng, người học được tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến, hoàn toàn bằng tiếng Anh, trực tiếp được các giáo sư nước ngoài giảng dạy. Điều này sẽ hình thành nên những tư duy, giải quyết xử lý vấn đề của những nước tiên tiến để thay đổi những lối mòn tư duy cũ kỹ, không còn phù hợp.

Làm chủ công nghệ thông tin

Đây là thách thức “sống còn” được các chuyên gia đưa ra đối với người trẻ trong cuộc CMCN 4.0. “Chúng ta đừng tưởng cuộc CMCN 4.0 xa vời. Thực tế là nó đang hiện hữu mỗi ngày ngay trong xã hội này. Công nghệ thông tin đang chiếm hữu và có mặt ở hầu hết các ngành nghề. Nhu cầu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2035, các nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật, vật lý trong xã hội sẽ có nhu cầu cao nhất, với sự xuất hiện của các cỗ máy công nghệ đồng hành cùng con người”, ông Nguyễn Quốc Cường (Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, trong cuộc CMCN 4.0, các cỗ máy chỉ có trí thông minh logic, còn con người vẫn là chủ đạo bởi trí thông minh cảm xúc của mình. “Máy móc, robot cũng là do con người tạo ra. Những nhóm ngành nghề mà máy móc không thể thay thế được là khoa học xã hội, du lịch và pháp luật. Bởi vậy, quan trọng nhất vẫn là sự học”, ông Cường nhấn mạnh.

Học sinh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn trước thách thức đặt ra của cuộc CMCN 4.0

Trước băn khoăn của học sinh trong trường về hệ lụy của cuộc CMCN 4.0 đối với con người, ông Cường nhận định đó chính là nguyên nhân gia tăng sự lười biếng ở con người, biến con người trở thành nô lệ của những cỗ máy. “Mê chơi game, lệ thuộc vào smartphone đang là một trong những vấn nạn của cuộc sống hiện đại, biểu hiện của việc con người là nô lệ của máy móc”, ông Cường nói.

Giải đáp câu hỏi của học sinh về vấn đề khi vạn vật kết nối internet, điều gì sẽ xảy ra khi internet bị hủy diệt?, ThS. Lê Bình Trung (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT) chia sẻ: “Cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra một ngành nghề mới cực kỳ quan trọng đó là an toàn thông tin mạng và bảo mật hệ thống. Chính các bạn làm trong ngành nghề này sẽ dựng lên những bức tường lửa để bảo mật các hệ thống”.

Không chỉ có thế, ông Trung còn cho biết, cuộc CMCN 4.0 còn làm thay đổi cả cách thức giao dịch của tiền tệ thế giới. Đồng tiền ảo Bitcoin là một minh chứng. Đây là một xu thế tiền tệ điện tử, trong đó đồng tiền được mã hóa. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã công nhận sự quy đổi của đồng tiền này.

“Hãy dám đam mê và ước mơ, học thật tốt ngoại ngữ, trang bị thật nhiều kỹ năng hội nhập. Đó là hành trang để các em bơi ra biển lớn hội nhập”, ông Trung nhấn mạnh.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)