Những năm trở lại đây, ngành giáo dục đã nỗ lực đổi mới rất nhiều, trong đó “nóng” nhất có lẽ là phương pháp dạy học. Từ những cách dạy học cổ điển, áp đặt, một chiều, giáo viên (GV) đã không ngừng đổi mới với vô số phương pháp như: dạy học tích cực, phương pháp “bàn tay nặn bột”, dạy học theo chủ đề, dự án, gần đây xuất hiện một khái niệm mới là dạy học tích hợp.
Tiết học liên môn địa – giáo dục công dân với các hoạt động nhóm rất thú vị. Ảnh: T.L |
Tuy nhiên, “nóng” nhất hiện nay vẫn là phương pháp giáo dục STEM, đó là sự kết hợp của khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Từ những ví dụ thực tiễn
Xuất phát từ thực tế là hầu hết các GV trung học đều mơ hồ về việc áp dụng phương pháp này vào dạy học trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Phạm Ngọc Tiến (Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM) đem đến nhiều thông tin cho GV các trường phổ thông trong những buổi tập huấn về chuyên đề “Hướng dẫn triển khai phương pháp giáo dục STEM trong trường trung học tại TP.HCM từ năm 2017-2018”.
Bài tập huấn của ông Tiến có nhiều ví dụ rất cụ thể, sinh động. Chẳng hạn ông đã đưa ra 2 lon nước ngọt, một lon theo mẫu cũ (lùn, mập), một lon theo mẫu mới (cao, ốm), yêu cầu GV vận dụng kiến thức của môn toán, môn vật lí để so sánh và làm rõ: Hình dạng như thế nào thì tối ưu? Lon mẫu nào sẽ tiết kiệm nguyên liệu cho nhà sản xuất?… Sau khi tính toán, GV nhận xét: Lon mẫu cũ tiết kiệm nguyên liệu hơn lon mẫu mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Tại sao nhà sản xuất hiện nay lại bỏ mẫu cũ để chấp nhận cho ra mẫu mới? Sau khi GV thảo luận, kết luận được rút ra là: Chấp nhận tốn kém nhiên liệu nhưng lợi nhuận sẽ tăng lên vì đánh trúng vào thị hiếu của người tiêu dùng, sản phẩm sẽ được tiêu thụ nhiều hơn… Đó là một trong vô số những ví dụ thực tiễn về phương pháp giáo dục STEM mà ông Tiến đem đến cho GV các trường phổ thông trong những buổi tập huấn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng sâu rộng vào mọi mặt đời sống, xã hội, giáo dục cũng không ngoại lệ. Vì thế đòi hỏi GV phải thay đổi phương pháp, học sinh phải thay đổi cách học. Theo ông Tiến, vai trò của GV phải chuyển đổi từ “dạy cái gì”, “điều gì” sang dạy cho học sinh “phải làm gì” và “làm như thế nào”.
Xây dựng cách làm như thế nào?
Từ thực tiễn, khái niệm, ông Tiến cho rằng, đặc trưng của giáo dục STEM là: Các chủ đề dạy học phải thông qua các tình huống thực tế; vận dụng các kiến thức khoa học công nghệ, toán học, kỹ thuật để xử lý vấn đề; và phát huy vai trò của học sinh trong hoạt động nhóm, trong việc thực hành… Từ đó, GV xây dựng một giáo án theo phương pháp giáo dục STEM gồm các bước: Thứ nhất, xác định nội dung thực tiễn thường gặp. Thứ hai, đưa ra hình thức tổ chức thực hiện. Thứ ba, cấu trúc của một chủ đề (gồm: tổng quan về đề tài, chủ đề; công việc của GV; công việc của học sinh).
Để minh họa, ông Tiến đã đưa ra một số ví dụ đầy thuyết phục từ những môn tự nhiên cho đến xã hội. Như, vận dụng kiến thức hóa học, sinh học để đo độ chua, độ pH của lon nước ngọt, hàm lượng đường, so sánh với chai nước chanh. Từ đó để đánh giá về tâm lý người dùng, cũng như những mặt lợi và hại cho người sử dụng. Các vấn đề rất thực tiễn như: Cá voi nổi và lặn (môn sinh), cách chế biến nước hoa (môn hóa), máy bắn đá trong chiến trận xưa (môn sử), kể chuyện bằng tranh nổi, sách giấy có hình nổi (môn văn)…
Bấy lâu nay, GV các bộ môn xã hội thường băn khoăn về phương pháp giáo dục STEM khi đưa vào áp dụng. Nhưng ông Tiến cho rằng, phương pháp này dễ áp dụng cho những môn học tự nhiên, tuy nhiên những môn xã hội cũng có thể áp dụng. Thành công hay không tùy thuộc vào trí tuệ của mỗi thầy cô.
Đúng thế, một GV dạy sử chia sẻ với chúng tôi: Cách đánh bằng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, hỏa công, thủy công, vũ khí của triều đình nhà Nguyễn trong kháng Pháp… đều có thể vận dụng phương pháp giáo dục STEM.
Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)
Bình luận (0)