Từ bao đời nay, “tôn sư trọng đạo” vốn được xem là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tôn vinh người thầy và trọng đạo học là một trong ba mối quan hệ rường cột: Quân, Sư, Phụ (vua tôi, thầy trò, cha con).
“Đã mang lấy nghiệp vào thân”, người thầy phải luôn không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Trong ảnh: Giáo viên ân cần hướng dẫn học sinh trong tiết dạy. Ảnh: N.Trinh |
Mặc dù vậy, điều đáng quan ngại là trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa thầy với trò, trò với thầy đã xuất hiện những vết rạn nứt qua hàng loạt vụ việc đáng tiếc: thầy đánh mắng trò, nhục mạ trò, bạo hành đối với trò; trò nói xấu, chửi bậy, vô lễ đối với thầy, hành hung thầy… Đặc biệt, gần đây tình trạng phụ huynh, học sinh làm đơn khiếu kiện thầy đã không còn là cá biệt, liên quan tới nhiều lý do khác nhau: Thầy gạ tình lấy điểm, thầy xâm hại tình dục đối với trò, thầy nhận phong bì rồi nâng điểm cho trò… Những vết rạn trong quan hệ thầy – trò đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức của không ít giáo viên, học sinh, nhất là làm xói mòn niềm tin của dư luận xã hội đối với sự thiêng liêng, tốt đẹp vốn có của đạo thầy – trò. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau dẫn tới thực trạng đáng buồn trên.
Về phía học sinh, sự tiêm nhiễm các thói hư tật xấu từ internet, trò chơi bạo lực, phim ảnh đồi trụy… đã dẫn tới những suy nghĩ, hành vi lệch lạc. Sự thực dụng, vị kỷ, ưa thích sự đổi chác theo kiểu “sòng phẳng” đã dẫn tới suy nghĩ, nhận thức tiêu cực của một bộ phận học sinh khi cho rằng: chỉ cần bỏ tiền ra là có thể “mua” được chữ. Ngoài ra, không cần thiết phải quan tâm đến việc hành xử theo đúng chuẩn mực đối với thầy cô. Trong những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, nông nổi của trò đối với thầy, ít nhiều có sự “tiếp tay” của các bậc phụ huynh. Chính những toan tính vụ lợi thực dụng của một số bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình làm phát sinh những tư tưởng, suy nghĩ lầm lạc ở con em mình. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, không ít phụ huynh đến thăm hỏi, chúc mừng các thầy cô đang trực tiếp dìu dắt, dạy dỗ con em không chỉ với những bông hoa mà nhiều khi, tình nghĩa được cân-đo-đong-đếm bằng độ dày mỏng, nặng nhẹ của chiếc phong bì. Cách thể hiện thái độ “tôn sư” ấy của các bậc phụ huynh hẳn sẽ gieo vào tâm hồn của học sinh những suy nghĩ, ấn tượng không tốt về thầy cô của mình.
Cùng với sự thay đổi của thời thế, người thầy ngày nay cần có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng kịp với xu thế của thời đại. Mặc dù vậy, sự điều chỉnh ấy phải dựa trên những nguyên tắc nhất định, mang tính chuẩn mực. |
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tình trạng xuống cấp trong văn hóa học đường cùng với những biểu hiện đáng lo ngại về sự rạn nứt trong mối quan hệ thầy – trò có nguyên nhân quan trọng đến từ phía người thầy. Thực tế cho thấy, quá trình đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay dường như mới chỉ chú trọng hình thành năng lực dạy học mà chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề đào tạo năng lực hoạt động giáo dục. Trong khi đó, nhiều nhà trường mới chỉ coi trọng việc “dạy chữ” mà chưa chú trọng dạy đạo lý, tình nghĩa cho học sinh (mặc dù câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn được treo ở các vị trí trang trọng trong nhiều trường học). Để học sinh học được chữ “lễ” thì người thầy dù làm cán bộ quản lý hay hàng ngày trực tiếp đứng trên bục giảng đều phải biết dạy “lễ” cho các em. Muốn làm được nhiệm vụ quan trọng đó, người thầy phải nghiêm khắc với bản thân, thường xuyên rèn luyện tác phong, rèn luyện đạo đức, cung cách sinh hoạt không chỉ ở môi trường học đường mà cả ở ngoài xã hội, trong cuộc sống đời thường. Mỗi người thầy phải thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo về mọi mặt. Nếu người thầy có những cung cách sinh hoạt, hành vi ứng xử “lệch chuẩn” thì khó có thể thu phục, cảm hóa được học sinh. Một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, có một số người thầy đã tự biến mình thành những “tấm gương mờ” trong con mắt của phụ huynh, học sinh. Có giáo viên tôn sùng lối sống thực dụng, tổ chức dạy thêm tràn lan chỉ với mục đích “bán chữ” thu lợi, có người còn dùng “tiểu xảo” cho điểm cao, điểm thấp để “ép” học sinh đến lớp học thêm môn của mình. Những cách hành xử ấy đã làm cho sự tôn nghiêm, mô phạm cần có của người thầy trở nên nhạt nhòa dần. Hệ lụy kéo theo là những chuẩn mực tốt đẹp trong quan hệ thầy – trò bị sứt mẻ, ranh giới thầy – trò bị thu hẹp không phải theo nghĩa tích cực là dân chủ hơn. Chính vì ranh giới trong chuẩn mực thầy – trò bị xóa nhòa nên mới có chuyện thầy thản nhiên nhận phong bì của trò, thầy “gạ tình” trao đổi điểm…
Để xây dựng, vun đắp mối quan hệ thầy – trò trở nên tốt đẹp, bên cạnh việc “dạy chữ”, các nhà trường cần quan tâm nhiều hơn tới vấn đề “dạy người” cho học sinh nhằm từng bước định hình và hoàn thiện nhân cách. Ở đây, sự phối hợp, gắn kết giữa gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng. Xét ở góc độ người thầy – nhân tố quan trọng chi phối mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy và trò – một khi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, cần thiết phải luôn không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Trong mối quan hệ với học sinh, cần tạo sự gần gũi, song cũng cần đảm bảo tính mô phạm cần thiết. Cùng với sự thay đổi của thời thế, người thầy ngày nay cần có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng kịp với xu thế của thời đại. Mặc dầu vậy, sự điều chỉnh ấy phải dựa trên những nguyên tắc nhất định, mang tính chuẩn mực. Nghĩa là, dù ở thời nào cũng cần yêu cầu “thầy ra thầy” thì mới mong có được “trò ra trò”.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên,
Nam Đàn, Nghệ An)
Bình luận (0)