Bao mùa hè đi qua, lại được nghe tiếng trống trường giục giã đón chào năm học mới. Âm thanh gần gũi mà thân thương đó gắn liền với bao thế hệ, đi suốt quãng đời học sinh, cho dẫu bao đổi thay của dòng chảy cuộc đời. Đất nước từng ngày thay da đổi thịt, đẹp hơn, hiện đại hơn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia hoạt động “Một ngày làm giáo viên”
Trường học giờ đây không chỉ còn phấn trắng bảng đen, không chỉ ngân nga những tiếng trả bài ê a. Giáo dục đang chuyển mình cùng với những bước phát triển nhanh đến chóng mặt của công nghệ số như hiện nay. Dự án đầu tư hệ thống các trường học thông minh (THTM) là một trong những bước chuẩn bị để cùng với thành phố thực hiện đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, mục tiêu cụ thể của dự án là: đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá; dạy học phân hóa theo năng lực nhận thức của học sinh trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; xây dựng môi trường học tập trực tuyến, học tập mọi lúc – mọi nơi… thông qua việc đầu tư phòng học tiên tiến, thông minh; phòng học theo phương pháp STEM; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; phòng thư viện thông minh; phòng họp và môi trường đào tạo trực tuyến; hệ thống thông tin giáo dục của nhà trường; hệ thống phần mềm đồng bộ phục vụ công tác vận hành, giảng dạy và học tập… Xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập phù hợp theo năng lực và đặc điểm của cá nhân người học; hỗ trợ giáo viên, người học tiếp cận và khai thác các ứng dụng thông minh, mở rộng cơ hội học tập bằng việc sử dụng các công nghệ đa phương tiện, đánh giá khách quan và toàn diện trên nền tảng công nghệ thông minh.
Tuy nhiên, phải chăng chúng ta đang đề cập quá sớm đến một vấn đề của thời đại công nghiệp 4.0, khi mà cơ sở hạ tầng hiện tại có khi còn đang ở 0.4! Gần như trên 90% các trường học hiện nay đang rơi vào tình trạng “thiếu hụt đủ thứ”. Theo báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT đầu năm 2019, số trang thiết bị dạy học tối thiểu của các cấp học mới chỉ đạt 48-59%. Cấp THCS, THPT thiếu 24-30% phòng học bộ môn. Câu hỏi đặt ra cho bài toán “thiếu vốn, nghèo công nghệ, ứ đọng nguồn nhân lực” sẽ được giải quyết ra sao? Do đó, khi xây dựng dự án THTM cần phải xác định mục tiêu mang công nghệ đến với người học để hỗ trợ chứ không để thay thế. Vấn đề then chốt cần làm là xây dựng kế hoạch và thực hiện quyết liệt việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, thu hút nhân lực công nghệ thông tin để có đủ đội ngũ nhân sự đáp ứng những yêu cầu khi thực hiện dự án. Giáo viên của THTM phải sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng e-Learning trong dạy học; khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở; ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; dạy học tích hợp, dạy học trực tuyến. Ngoài ra, giáo viên phải đạt chuẩn và trên chuẩn, có trình độ tiếng Anh cấp độ B2 chuẩn châu Âu. Với ngần ấy yêu cầu đặt ra để giáo viên thực sự làm chủ công nghệ, thì người lãnh đạo nhất định phải là người quản lý thông minh, là người quản trị nhân sự xuất sắc, có đủ tầm nhìn chiến lược và đủ tâm huyết đưa ngành giáo dục tiến lên. Steve Jobs từng nói: “Đổi mới là điều tạo ra sự khác biệt giữa người lãnh đạo và kẻ phục tùng”.
Xây dựng THTM không chỉ ở việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vật chất đáp ứng đủ nhu cầu. THTM sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi có nguồn lực con người phù hợp, đi kèm với hệ thống quản lý, hệ thống giáo dục thông minh, đồng bộ cho sự phát triển tổng thể chương trình giáo dục liên thông từ mầm non đến THCS hoặc THPT. Yêu cầu chuyển đổi mô hình nhà trường là yếu tố cần thiết để giáo dục nhà trường bắt kịp với những thay đổi mới nhất của kỷ nguyên tin học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đào tạo công dân cho thời đại mới. Ứng dụng rộng rãi của internet, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, trí tuệ thông minh nhân tạo đang ngày một mở rộng, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập nói chung đã làm thay đổi từng ngày mọi mặt của đời sống xã hội. Do vậy, mô hình THTM không còn là quá xa vời!
Sở GD-ĐT TP.HCM đang đề xuất thí điểm xây dựng mô hình THTM ở 5 trường, gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Du và THPT Nguyễn Hiền, trên cơ sở xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử (giai đoạn 2018-2020) để làm cơ sở phát triển nhân rộng mô hình THTM trong giai đoạn tiếp theo. Điều này rất cần sự đồng thuận và chung tay của nhân dân vào việc đổi mới giáo dục. Để chuẩn bị cho lộ trình THTM, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) đã và đang đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay 80 giáo viên đã hoàn thành chứng chỉ tin học văn phòng chuẩn quốc tế Microsoft Office Specialist (MOS), 30 giáo viên đang học thạc sĩ chuyên môn, khuyến khích giáo viên thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy. Cùng với đó, nhà trường chú trọng việc rèn đạo đức cho học sinh dưới nhiều hình thức; tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng cho các em; phát huy tính tích cực, sáng tạo, môi trường dân chủ, thân thiện trong nhà trường. Tất cả phòng học được trang bị máy chiếu và các thiết bị học tập hiện đại với sĩ số bình quân mỗi lớp 32 học sinh, cho phép giáo viên tổ chức dạy học tích cực, mang hơi thở thời đại 4.0 vào trong từng tiết học. Phần mềm trắc nghiệm trực tuyến đang thực hiện ở các khối lớp giúp học sinh ôn luyện tốt hơn, đồng thời giáo viên có thể kiểm tra đánh giá khách quan hơn. Nhà trường cũng đang hướng tới xây dựng thư viện hiện đại, thông minh giúp giáo viên và học sinh có thể tiếp cận giáo trình một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Các thành viên CLB STEM của Trường THPT Nguyễn Du sáng chế máy in 3D
Sau hơn 48 năm thành lập, Trường THPT Nguyễn Du, ngôi trường mang tên Đại thi hào dân tộc đang khoác lên mình một diện mạo mới. Phòng học khang trang, khuôn viên sân trường được cải tạo thành “tiểu công viên” với hàng cây xanh… Phát triển các câu lạc bộ năng khiếu, hoạt động thể thao góp phần nâng tầm vóc giới trẻ Việt Nam. Đan xen các hoạt động học tập là những hoạt động phong trào, chương trình giao lưu với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, cho các em thêm tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo mang tên Nguyễn Du… Ngoài ra, không thể không nhắc tới chương trình trải nghiệm sáng tạo “Một ngày làm giáo viên” có một không hai trên cả nước, đã được nhà trường tổ chức trong ba năm gần đây. Nơi đó học sinh “sắm vai” thầy cô giáo đĩnh đạc bước lên bục giảng, truyền tải đến các bạn cùng lớp những bài học sinh động, thú vị. Trong năm học này, nhà trường phối hợp cùng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giảng dạy văn hóa đặc trưng các vùng miền cho học sinh, nội dung được chắt lọc từ môn Việt Nam học. Đây là cách giáo dục đạo đức rất thiết thực, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Sân trường rực rỡ sắc màu trong ngày khai giảng. Cánh phượng hồng vẫn thắm như tấm lòng kính yêu của học sinh dành cho thầy cô giáo. Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như kỳ vọng sự khởi sắc từ những ngôi trường dám nghĩ, dám làm, sẽ đem đến một làn gió mới trong việc thực hiện cải cách giáo dục hiện nay.
Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trường THPT Nguyễn Du,
Q.10, TP.HCM)
Bình luận (0)