Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên thay đổi hình thức tương tác với con cái

Tạp Chí Giáo Dục

Dịp Tết về quê vừa qua, tôi thấy nhiều em học sinh sử dụng zalo, facebook trên điện thoại thông minh, và các bậc phụ huynh cũng có tài khoản zalo, facebook. Từ con cái đến cha mẹ đều sử dụng công cụ facebook, zalo khá dễ dàng và thành thạo. Quan sát kỹ, tôi thấy có hai cách tiếp cận với việc tương tác giữa cha mẹ và con cái.

Thứ nhất, theo hướng tích cực. Tích cực ở đây không phải là thái độ thường xuyên trao đổi trên phần bình luận hay nhắn tin qua lại. Mà tích cực theo hình thức những bài đăng của con đưa lên trang cá nhân nếu cha mẹ thấy hay sẽ khen và nếu chưa phù hợp thì sẽ động viên, cảnh báo. Thứ hai, nhiều bậc cha mẹ xem facebook của con và thấy con thường xuyên đăng bài thì cằn nhằn “suốt ngày facebook với facebook…”. Không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách tương tác với con cái trên facebook. Có em kể với tôi rằng: “Mẹ em cứ theo dõi status (trạng thái trên dòng thời gian) cũng như xem comment (bình luận) của em và bạn bè một cách khắt khe, nhiều lúc mẹ comment chen ngang cuộc nói chuyện của em. Khi có chuyện gì xảy ra trong nhà là lôi các chuyện trên facebook ra nói như minh chứng cho bất hòa trong gia đình”.

Nói đến đây, tôi nhớ tới bộ phim Em chưa 18 đạt doanh thu phòng vé cao ngất ngưởng trong mùa hè vừa qua. Bộ phim về lứa tuổi học đường tuy có phần không đúng với môi trường tại các trường phổ thông nước ta hiện nay, nhưng bộ phim có một phần nói đến cách tiếp cận trong quan hệ cha con trong nền giáo dục, xã hội hiện tại. Ông Hùng là cha của Lin Đan, đã phải hỏi bạn trai của con là: “Sao mày nói chuyện được với con tao vậy, chỉ cho tao đi?” khi ông Hùng không thể nào nói chuyện được với Lin Đan do hai cha con có cách nhìn khác nhau về vài vấn đề trong cuộc sống. Hay ông Hùng đã phải pha trò bằng cách sử dụng ngôn ngữ của lớp trẻ hơn mình rất nhiều:  “Chế à, Chế có chuyện gì vậy?”.

Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta đã rõ về việc thay đổi mối tương quan cha con thành bạn bè trong một số trường hợp là nên làm ngay. Chúng ta không cổ vũ phá vỡ thứ bậc hay tôn ti trật tự gia đình nhưng thay đổi cách đánh giá vị trí của từng thành viên trong gia đình, tương tác tích cực hơn, cởi mở hơn với con cái.

Nguyn Minh Thanh

 

Bình luận (0)