Em Trọng Nghĩa (học lớp 12C8) bày tỏ băn khoăn làm sao cạnh tranh được với robot. Ảnh: T.Thương |
Sáng 12-3, đông đảo học sinh Trường THPT Đào Sơn Tây (Q.Thủ Đức) đã tham dự chương trình “Kỹ năng hội nhập công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐH Tân Tạo và ĐH FPT tổ chức.
Trao đổi với học sinh trong trường, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) nói: Dù chỉ mới xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây nhưng cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã khiến cả thế giới phải thay đổi suy nghĩ cũng như hiệu quả lao động. Bởi cuộc CMCN 4.0 ra đời dựa trên nền tảng là thành tựu tiên tiến của những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, như: Máy tính và kết nối internet (CMCN 3.0); phát minh ra năng lượng điện (CMCN 2.0); phát minh ra động cơ hơi nước (CMCN 1.0). Do đó, dự kiến trong thời gian tới nó sẽ phát triển vũ bão, làm thay đổi hoàn toàn đời sống xã hội và lao động của con người.
Em Văn Tú (học lớp 12C11) bày tỏ băn khoăn: “Nếu Việt Nam không hội nhập với cuộc CMCN 4.0 thì hậu quả sẽ như thế nào?”. ThS. Lê Bình Trung (Trưởng ban Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH FPT) cho biết: “Hiện nay, cuộc CMCN 4.0 đã phát triển mạnh ở các quốc gia lớn như: Đức, Mỹ, Anh, Pháp… và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc nếu không muốn bị tụt hậu, nhiều ngành nghề lao động ở trong nước cũng đang dần thay đổi để hội nhập. Trong tương lai gần tất cả các em sẽ trở thành lực lượng lao động chính, do đó cần phải trang bị hành trang sẵn sàng nếu không sẽ không thể tồn tại”. Ngồi bên cạnh bạn, em Trọng Nghĩa (học lớp 12C8) đặt câu hỏi: “Robot chỉ kém con người về khả năng tư duy cảm xúc, vậy con người cần làm gì để cạnh tranh được với robot?”. TS. Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: “Đó là thế mạnh mà con người có được, vì vậy cần trau dồi thế mạnh của mình. Có tư duy cảm xúc, các em sẽ có sự tìm tòi, sáng tạo để làm chủ được công nghệ. Cuộc CMCN 4.0 sẽ mang lại hàng loạt cơ hội nghề nghiệp để các em lựa chọn như: Phát triển về công nghệ thông tin, bảo hành và sửa chữa các thiết bị robot, kỹ sư vận hành hệ thống, kỹ sư phần mềm công nghệ, hoặc các nhóm ngành nghề về chăm sóc sức khỏe, thực phẩm… Nếu lựa chọn đúng thì không những cạnh tranh được với robot mà các em còn trở thành người làm chủ nó”.
Thương Thương
Bình luận (0)