Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là học sinh lớp 12 trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2018. Đây là khoảng thời gian không quá ngắn, tuy nhiên không đủ dài cho một cuộc “chạy bền”. Do đó, khoảng thời gian này được coi là giai đoạn “nước rút” cả về xác định lựa chọn ngành nghề lẫn ôn tập. Quá trình chuẩn bị tốt thì kết quả gặt hái được ắt sẽ ngọt ngào…
Nhiều câu hỏi của học sinh được Ban tư vấn giải đáp. Ảnh: T.Dương |
Đó là lời khuyên mà các chuyên gia dành cho toàn thể học sinh lớp 12 của Trường THPT Ngô Quyền (Q.7) trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.
Khó “ăn điểm” ở cách tính mới
Theo ThS. Đặng Kim Cường (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM): Kỳ thi năm nay có một vài thay đổi trong quy chế, đặc biệt là cách tính điểm làm tròn đến hai số lẻ (so với các năm trước điểm được làm tròn đến 0,25 điểm). Ví dụ, nếu điểm thi là 14,99 thì kết quả không được làm tròn mà vẫn giữ nguyên. Về nội dung thi cũng có thay đổi là ngoài kiến thức lớp 12 còn được lồng ghép vào những kiến thức của lớp 11, trong đó 50% kiến thức cơ bản và 50% mang tính chất phân loại. Ngoài ra, kỳ thi năm nay có sự thay đổi trong cách tính điểm ưu tiên, đối với những thí sinh được cộng điểm ưu tiên theo khu vực thì sẽ giảm xuống cao nhất còn 0,75 điểm. Đặc biệt, việc xử lý đối với những trường hợp vi phạm quy chế thi cũng sẽ được thực hiện nghiêm khắc hơn. “Cách tính điểm mới không được làm tròn đến số chẵn, đồng thời kiến thức mở rộng và phân loại cao, điểm ưu tiên giảm xuống… sẽ là những khó khăn bước đầu khiến các em khó “ăn điểm” hơn. Do đó, các em phải nắm thật chắc những thay đổi này, đồng thời tự đặt ra những chế độ ôn tập nghiêm khắc với bản thân, khi đã nắm chắc kiến thức thì sẽ không còn lo lắng trước những trở ngại sắp tới. Có được kết quả thi THPT quốc gia tốt thì cánh cửa dẫn đến tương lai cũng rộng mở và dễ dàng hơn rất nhiều…”, ông Cường nhấn mạnh.
Đối với việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, ông Cường khuyên: “Lời khuyên cho các em là không nên đăng ký quá 10 nguyện vọng. Sau khi đăng ký các em có thể thay đổi nguyện vọng, thời gian thay đổi vào khoảng tháng 7. Các em có thể thay đổi nguyện vọng bằng một trong 2 phương thức: Điều chỉnh trực tuyến online bằng tài khoản đã được cấp (số nguyện vọng thay đổi không được vượt quá số lượng đã đăng ký), hoặc điều chỉnh trực tiếp bằng giấy (số nguyện vọng không giới hạn). Năm nay, ngoài ngành sư phạm thì việc xét tuyển vào các trường cũng có sự khác nhau, có trường xét tuyển theo điểm số học bạ, có trường lại xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia, có trường sẽ kết hợp với kỳ thi năng lực… Vì vậy quá trình làm hồ sơ các em phải tìm hiểu kỹ hình thức và điểm số xét tuyển vào các trường mà mình chọn”.
Chọn nghề: đam mê thôi là chưa đủ
ThS. Võ Minh Thành (chuyên gia tư vấn tâm lý) chia sẻ: “Việc chọn đúng ngành, đúng nghề sẽ là nền móng rất tốt cho một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, trong vô vàn các trường đào tạo và ngành nghề lao động, việc làm sao để chọn được hướng đi đúng không phải là điều dễ dàng”. Vì vậy, theo ông Thành, khi chọn ngành nghề, trước hết phải có niềm đam mê. Tuy nhiên, đam mê thôi thì chưa đủ mà các em cần phải có năng lực và nắm bắt được nhu cầu của xã hội. “Các em phải tự trả lời được những câu hỏi: Mình học tốt nhất môn nào? Điểm mạnh, điểm yếu là gì? Mình cần gì? Năng lực mình có thể làm được lĩnh vực nào? Ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không? Ngành nghề đó cần những phẩm chất, năng lực gì?… Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia, song song với việc nỗ lực ôn tập, các em cần nghiêm túc tự suy ngẫm lại những câu hỏi đó để chọn cho mình hướng đi đúng và phù hợp nhất. Đây không còn là cuộc rong chơi để trải nghiệm, mà là bước đi đầu tiên mở ra cánh cửa của tương lai. Nó đặc biệt quan trọng, do đó không nên chủ quan”, ông Thành đưa ra lời khuyên.
Trong hai ngày 17 và 18-3, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa huyện Châu Đức và Trung tâm Văn hóa huyện Xuyên Mộc. Cụ thể, ngày 17-3, tại Trung tâm Văn hóa huyện Châu Đức, chương trình tư vấn cho học sinh các trường: THPT Ngô Quyền, THPT Nguyễn Văn Cừ, THPT Dân tộc Nội trú và Trung tâm GDTX Châu Đức. Ngày 18-3, chương trình tư vấn cho học sinh các trường: THPT Xuyên Mộc, THPT Phước Bửu, THPT Hòa Hội, THPT Hòa Bình, THPT Bưng Riềng và Trung tâm GDTX Xuyên Mộc. |
Võ Huân (học lớp 12P) băn khoăn: “Em thích học ngành luật nhưng theo em tìm hiểu, ngoài việc phải đạt điểm tốt trong kỳ thi THPT quốc gia thì trước khi vào trường thí sinh phải vượt qua một kỳ thi năng lực. Vậy em phải chuẩn bị những gì để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi này?”. Ông Nguyễn Thành An (Phó Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên của Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay: “Năm nay, ngoài Trường ĐH Luật TP.HCM thì rất nhiều trường khác cũng tổ chức kỳ thi năng lực. Đối với kỳ thi này trường tổ chức thi với 3 cột điểm, trong đó điểm thi THPT quốc gia chiếm đến 60%, điểm học bạ chiếm 10% và điểm kiểm tra năng lực chiếm 30%. Hình thức bài kiểm tra năng lực của trường dựa trên những kiến thức phổ quát. Ví dụ: kiểm tra về IQ, hiểu biết các vấn đề trong xã hội, hoặc những vấn đề về lý luận. Để làm tốt bài kiểm tra năng lực, trước hết các em cần tập trung chuẩn bị và vượt qua kỳ thi THPT quốc gia thật tốt, sau đó cần thường xuyên nghiên cứu về những vấn đề xã hội…”.
Thùy Nhung (học lớp 12H) cho biết: “Em thích học về lập trình robot, vậy em cần phải có những năng lực và phẩm chất gì? Sau khi ra trường thì có dễ dàng xin được việc làm không?”. TS. Lê Mạnh Hải (Trưởng khoa CNTT, Trường ĐH Hùng Vương) giải đáp: “Lập trình robot là ngành không hoàn toàn mới, tuy nhiên trong vài năm trở lại, đây là ngành nhận được sự quan tâm và tìm hiểu nhiều nhất, bởi trên thế giới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã phát triển. Để theo học được ngành này, ngoài đam mê các em cần phải có những tố chất như: khả năng logic, giải quyết vấn đề; tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, khả năng làm việc nhóm. Đặc biệt, nếu có khả năng tin học, toán và tiếng Anh tốt sẽ là những lợi thế rất lớn. Nếu rèn luyện được những tố chất trên thì khi ra trường cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở đối với ngành lập trình robot nói riêng và tất cả các ngành nghề khác nói chung”.
Thy Dương
Bình luận (0)