Với tình yêu lịch sử, hai học sinh THCS ở Quảng Trị đã sáng tạo nên cuốn truyện tranh “Gạc Ma và những người anh hùng”, sản phẩm trên xuất sắc đoạt giải nhì Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm 2018.
Mỗi khi gặp khó khăn, Huyền và Như đều nhận được sự hỗ trợ kịp thời của cô Trần Thị Thanh Ước – giáo viên có 30 năm tìm hiểu về trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma |
Hai tác giả cuốn truyện tranh là Mai Ngọc Như (học lớp 9A) và Nguyễn Diệu Huyền (học lớp 8D) – Trường THCS Nguyễn Trãi, TP.Đông Hà. Hai em chia sẻ: “Khi biết tin sản phẩm đoạt giải nhì, chúng em rất vui và hạnh phúc. Cảm giác sung sướng vỡ òa sau hơn 5 tháng miệt mài sưu tầm tư liệu, vẽ tranh, chỉnh sửa để hoàn thiện cuốn truyện. Càng vui hơn nữa khi cuốn truyện tranh của chúng em được nhiều bạn trẻ biết đến”.
Cả Như và Huyền đều rất thích môn lịch sử. Đặc biệt, cả hai đều dành cho biển đảo một tình yêu đặc biệt, vì vậy khi có cơ hội, hai em đều tìm đọc tư liệu để hiểu thêm về biển đảo quê hương. Đầu năm học 2017-2018, khi thầy hiệu trưởng thông báo kế hoạch tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật các cấp, Như và Huyền liền trình bày ý tưởng của nhóm với cô Trần Thị Thanh Ước – giáo viên môn sinh học. Cô Ước sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nhiều đạn bom Vĩnh Linh, trong gia đình có truyền thống cách mạng nên bản thân rất yêu lịch sử. “Bản thân tôi rất đam mê tìm hiểu lịch sử, luôn cảm phục trước sự hy sinh của các chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma 30 năm trước. Tôi từng tìm đọc tài liệu về cuộc hải chiến này, trong lòng luôn trăn trở muốn làm một điều gì đó để học sinh của mình hiểu thêm về trận hải chiến này. Khi nghe các em trình bày ý tưởng trùng với sự ấp ủ của mình suốt nhiều năm nay, dù không phải là giáo viên dạy lịch sử, tôi rất vui và đồng ý làm người hướng dẫn các em”, cô Ước nói.
Gặp nhau ở ý tưởng nên cô trò không vấp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện cuốn truyện tranh. Tuy nhiên, để hoàn thiện được cuốn truyện dài 31 trang, khái quát hết bức tranh về trận hải chiến trên và làm thế nào để người xem như được sống lại những giây phút lịch sử là cả một hành trình gian nan kéo dài hơn 5 tháng.
Như kể lại: “Sau khi bàn bạc thống nhất kế hoạch, chúng em cùng cô Ước bắt tay ngay vào việc tìm kiếm các nguồn tư liệu chính thống về trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Khi tư liệu có trong tay khá đầy đủ, nhóm lao vào viết nội dung một cách gãy gọn và dễ hiểu nhất. Khi đã có bản thảo tương đối hoàn chỉnh, chúng em được cô Ước đưa đến nhà bác Trần Thiên Phụng (cựu chiến binh từng tham gia trận hải chiến trên, hiện sống ở TP.Đông Hà) để nhờ bác góp ý thêm về nội dung nhằm hoàn chỉnh bản thảo một cách chính xác nhất”. Sau nhiều lần lắng nghe ý kiến của nhân chứng sống, Huyền và Như bắt đầu công việc phiên nội dung sang tranh vẽ. Đây cũng là công đoạn khá khó khăn. “Chúng em phải sử dụng rất nhiều kỹ thuật vẽ. Mỗi nội dung, cả hai đều bàn bạc xem ai lợi thế hơn thì người đó thể hiện bức vẽ trước, bạn còn lại sẽ bổ sung các chi tiết tiếp theo. Quá trình vẽ chúng em phải sử dụng rất nhiều nguyên liệu như màu nước, màu chì… tùy từng bức tranh, từng cụm nét vẽ”, Huyền cho biết. Mỗi khi có khó khăn, cả hai lại tìm đến cô Ước nhờ tư vấn… Huyền chia sẻ: “Để hoàn thiện được dự án giáo dục tình yêu biển đảo này, chúng em nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ cô Ước, sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường và các bạn trong việc góp ý những nét vẽ cũng như đưa ra các nhận xét chân thực nhất về cuốn truyện tranh. Nhờ những sự góp ý đó, chúng em hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Về lâu dài, cả hai muốn truyện tranh của mình được nhiều bạn trẻ biết đến, hiểu hơn về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để cố gắng tu dưỡng, học tập, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương”.
“Bấy lâu chúng ta chỉ nghe hoặc đọc những thông tin trên báo đài, bác cũng lo không biết thế hệ trẻ sau này có biết về trận chiến Gạc Ma năm 1988 không? Nhưng bác tin với cuốn truyện sinh động này, nếu đến với các bạn nhỏ thì tuổi trẻ như các cháu sẽ biết nhiều hơn, rõ hơn về sự hy sinh của cha ông trong cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung” – thư của cựu chiến binh Trần Thiên Phụng gửi Huyền và Như. |
Như chia sẻ thêm: “Chúng em chọn Gạc Ma là câu chuyện lịch sử đã lùi về quá khứ nhưng có tầm quan trọng đối với người đương thời. Mặt khác, bây giờ nhiều bạn trẻ rất mê đọc truyện tranh, khi mê đọc thì sẽ dễ nhớ. Đây cũng là sự tri ân của chúng em đối với các anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.
Nhận xét về cuốn truyện tranh, thầy Lê Văn Dương (Hiệu trưởng nhà trường) nói: “Nỗ lực của cô và trò khi thực hiện cuốn sách này là rất đáng ghi nhận. Cuốn sách rất có ý nghĩa đối với các bạn trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, qua đó giúp các em yêu thích hơn lịch sử nước nhà…”.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Bình luận (0)