Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bản lĩnh khi chọn nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Công tác tư vấn cho mùa tuyển sinh năm 2018 đã vào cao trào khắp các tỉnh/thành, tạo nên một niềm phấn khởi cho học sinh cuối cấp đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Chọn được nghề mình yêu thích, đam mê thì việc học sẽ trở nên hứng thú vì đáp ứng được nhu cầu học của bản thân. Từ đó, người học luôn có ý thức tích lũy kiến thức, làm giàu kỹ năng sống để phục vụ cho công việc sau này. Muốn được như vậy, học sinh cần có đủ bản lĩnh, sự tự tin cần thiết khi chọn nghề học. Việc tư vấn ngành nghề chỉ là khâu tham khảo nhiều nguồn, nhiều phía để xem có trùng khớp với dự tính, với định hướng của mình hay không? Nếu trùng khớp thì đó là điều tốt. Nếu chưa thì mình tiếp tục tìm hiểu cặn kẽ, cân nhắc thật chín chắn; tham khảo ý kiến thầy cô, cha mẹ, bạn bè; ý kiến của các anh chị đi trước để có quyết định đúng. Có một số phụ huynh khi gặp, thường hỏi tôi là: “Thầy gợi ý nên cho cháu học ngành gì khi cháu học giỏi Anh văn, giỏi toán…”. Tôi trả lời còn nhiều yếu tố như sở thích, thế mạnh của các em gồm những gì; cha mẹ là người hiểu con cái nhất và có thể đưa ra những gợi ý cho các em tốt nhất. Có một lần trên facebook, một học sinh cũ hỏi thăm tôi và tôi hỏi em học năm thứ mấy ngành y rồi? Em cho biết học xong hai năm thì thấy không “kham” nổi nên đã thi lại, học ngành tiếng Anh. Em đã bỏ phí mất hai năm vì sự lựa chọn ban đầu chưa kỹ càng; chưa bản lĩnh vì theo bạn mà chọn chứ không phải do mình chọn.

Nhiều ngành học đang mở ra và trước “mê cung” nghề nghiệp ấy, học sinh là người quyết định cuối cùng. Không ai hiểu bản thân các em bằng… các em. Do đó, các em phải lắng nghe tiếng nói từ lý trí, từ con tim mình hơn là nghe những lời “mời gọi” của bạn bè. Vì sao? Vì bạn bè có thể có những nét tính cách giống nhau nhưng khả năng học tập, khả năng làm việc của mỗi người lại khác nhau.

Bên cạnh đó, không thể cứ theo ngành nghề “nóng” mà lựa chọn vì khả năng của mình không cho phép hoặc không phù hợp. Việc làm có rất nhiều, chỉ sợ thiếu người biết làm việc; thiếu người có khả năng làm việc… Vì vậy, học sinh không nên nóng vội; không nên sa vào cảnh chọn mông lung, mất phương hướng rồi cuối cùng “tặc lưỡi” chọn đại một nghề. Nếu bản thân mình không theo nổi ĐH thì sáng suốt chọn học trường nghề. Vừa mau ra trường, vừa có việc làm; rồi “nghề sẽ dạy nghề”, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành khi có việc làm trong tay.

Lê Đc Đng

 

Bình luận (0)