Theo nhiều giáo viên, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh năm nay vẫn thay đổi theo hướng thực tế, nhưng sẽ được lồng ghép bằng các hình ảnh cụ thể trong xã hội. Đây là thay đổi giúp học sinh dễ dàng “ăn điểm” nhất nhưng với điều kiện các em phải hiểu được bản chất của thực tế.
Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM các năm trước. Ảnh: D.Bình |
Không chỉ nắm vững kiến thức lớp 9 mà còn phải quan tâm những kiến thức nền lớp 8, không viết tắt, chú ý viết sai từ…, đó là những lưu ý của giáo viên bộ môn với các em học sinh.
Cố gắng quan sát thực tế, kiến thức lớp 9 chiếm 70%
Đó là lưu ý được cô Phạm Thị Xuân Oanh (Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) đưa ra cho học sinh trong quá trình ôn tập môn tiếng Anh. Theo cô Oanh, đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh năm nay sẽ có sự thay đổi mạnh so với mọi năm, đó là đưa tính thực tế vào. Phần II sửa lỗi câu như mọi năm thì trong đề thi năm nay được thay bằng 2 bức ảnh, mỗi bức ảnh có 4 lựa chọn để học sinh từ việc nhìn hình ảnh sẽ đưa ra chọn lựa. Điểm vẫn là 0,5 như mọi năm. “Những hình ảnh trong đề thi sẽ được gắn với các chủ đề như an toàn giao thông (thế nào là ngược chiều, thế nào là đường cấm ô tô…), về môi trường, xoay quanh chủ đề cuộc sống để học sinh đưa ra những nhận định đúng sai”, cô Oanh nói.
Nghe thì có vẻ khó, nhưng theo cô Oanh, đây lại là phần dễ dàng “ăn điểm” nhất cho học sinh đến mức “mù mờ” cũng làm được. Sẽ không có sự gài bẫy trong đề mà chỉ là những hình ảnh về biển báo mang tính thông dụng, thực tế hiển hiện trong xã hội, không có sự chồng chéo vài ba hình lên nhau. Tuy nhiên, để có thể “ăn điểm” được thì các em phải chú ý quan sát trong cuộc sống hàng ngày mới có thể nhận ra cái gì được phép làm, nên làm và không nên làm. Đồng thời khi làm bài phải chú ý nhìn hình một cách cụ thể, dò qua các đáp án thật kỹ càng rồi mới đặt bút chọn lựa.
Song song với chú ý về thay đổi trên, cô Oanh cũng cho biết đề thi vẫn có “sườn cấu trúc như cũ” với phần I là chọn đáp án đúng a, b, c; phần III là đọc hiểu đoạn văn; phần IV là đọc đoạn văn và chọn đáp án; phần V là chia đoạn đúng của từ trong ngoặc; phần VI là xây dựng câu và phần VII là viết lại câu giữ nguyên ý, với 70% kiến thức trong đề là lớp 9. Vì vậy, để làm tốt các phần trong đề thi, học sinh cần phải có kiến thức nền từ năm lớp 6, nắm vững kiến thức cơ bản lớp 9, với những cấu trúc ngữ pháp, đơn vị từ vựng. Trong đó đặc biệt lưu ý học sinh trong phần chia dạng đúng của từ, đọc hiểu, viết lại câu. “Đây là 3 phần mà các em dễ dàng mắc lỗi nhiều nhất, nhất là với những em không có sự chuẩn bị kỹ hành trang về ngữ pháp và từ vựng”, cô Oanh cho biết.
Bên cạnh đó, cô Oanh cũng nhắc nhở: Để không bị mất điểm oan, trong quá trình làm bài các em không được sử dụng 2-3 màu mực, chú ý từ, tránh trường hợp “cấu trúc thì đúng nhưng sai từ thì cũng mất điểm hoàn toàn”.
Chú ý “nhắc lại” kiến thức lớp 8
Thầy Nguyễn Tuấn Anh (giáo viên tiếng Anh lớp 9 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) nhắc nhở học sinh như vậy khi ôn tập môn tiếng Anh. Theo thầy Tuấn Anh, trong môn tiếng Anh, kiến thức lớp 8 chính là kiến thức nền cho lớp 9. Do đó, nếu không chú trọng, nhắc lại trong quá trình ôn tập thì khi làm bài thi, đề chỉ cần ra “chệch” sang hướng kiến thức lớp 8 là các em sẽ dễ rơi vào lúng túng, khó xử lý đề. “Kiến thức lớp 8 các em nên chú trọng vào các mệnh đề điều kiện loại I, thể chủ động, bị động, các mẫu câu Who, What, Which đơn giản, một số cấu trúc câu cơ bản”, thầy Tuấn Anh gợi ý.
Một điểm lưu ý được thầy Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh chính là sự thay đổi mang tính thực tế trong đề thi, đòi hỏi học sinh phải dùng những kiến thức, hiểu biết thực tiễn để làm bài. Phần sửa lỗi sai sẽ được thay bằng nhận biết thông tin thực tế qua các hình ảnh của biển báo thông dụng trong cuộc sống, đặc biệt là hình ảnh biển báo về giao thông. Do đó, để làm được phần này không phải chỉ là kiến thức ngôn ngữ, ngữ pháp mà còn cần kiến thức nền về thực tế như phân biệt được đâu là biển ngược chiều, đâu là biển cấm đỗ, cấm dừng… “Sẽ có một số biển báo dễ nhận diện nhưng cũng có những biển dễ gây hiểu nhầm như các biển thông báo dành cho trẻ em, biển cấm. Vì vậy, khi ôn tập các em phải quan sát, khi làm bài các em cần phải chú ý”, thầy Tuấn Anh nhắn nhủ.
Về phần từ vựng, thầy Tuấn Anh lưu ý khi ôn tập, học sinh nên học theo chủ điểm trong bài, ôn theo những từ khóa quan trọng trong bài như các từ khóa về thiên tai, về thời tiết, về truyền thông, về ngôn ngữ. Bên cạnh đó nên mở rộng từ và cấu trúc của từ. Về ngữ pháp, thầy Tuần Anh gợi ý học sinh nên ôn theo hệ thống như mệnh đề điều kiện loại I, loại II, các thì trong câu, quan hệ, bị động, chủ động. Do đề tăng tính thực tế nên phần ngữ pháp trong đề thi sẽ ít đi, do vậy điểm ngữ pháp sẽ giảm xuống. Thay vào đó là phần từ vựng sẽ tăng điểm lên.
Để tránh sai sót khi làm bài thi, theo thầy Tuấn Anh, học sinh cần coi kỹ phần đánh số, chuyển câu trả lời xuống đúng vị trí. Viết câu phải chính xác, đúng chính tả, không bỏ sót câu, chú ý số ít, số nhiều của từ. Đặc biệt, phần True, False cần phải viết đầy đủ cả True, False, không viết tắt bằng chữ T, F, dù chọn đúng cũng sẽ bị trừ hết 1 điểm.
Với những học sinh có nguyện vọng thi chuyên Anh, thầy Tuấn Anh nhận định đề thi chuyên cũng sẽ như mọi năm, không thụ động so với kiến thức trong sách giáo khoa. Do đó cần phải ôn ở mức độ kiến thức nâng cao và chuyên sâu.
Đặt từ trong ngữ cảnh để nhớ từ và các biến thể của từ
Đây là lời khuyên cho học sinh lớp 9 trong quá trình ôn tập để có thể nhớ từ và thuộc từ được thầy Trần Hữu Thắng (Tổ trưởng Tổ ngoại ngữ Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) đưa ra. Theo chia sẻ của thầy Thắng, nếu học từ bằng cách học riêng lẻ thì rất khó có thể thuộc nhiều và nhớ nhiều. Nhưng khi đặt trong một ngữ câu, ngữ cảnh nhất định thì sẽ dễ dàng nhớ từ và các biến thể của từ.
Một lưu ý quan trọng được thầy Thắng đưa ra cho học sinh khi ôn tập là phải chú ý quan sát thực tế các biển báo giao thông, thông điệp, nội dung đưa ra trong các biển báo đó. “Đề thi năm nay sẽ bỏ phần tìm lỗi sai mà thay vào những hình ảnh mang tính thực tế, gần gũi với học sinh như những hình ảnh cảnh báo mà các em dễ dàng gặp trên đường phố trong cuộc sống hàng ngày. Đề cũng sẽ chỉ chọn những biển không bị ảnh hưởng bởi màu sắc, không quá xa lạ để các em qua hình ảnh có thể dễ dàng đưa ra những nhận định như không nên, không thể, không được phép”, thầy Thắng nhận định.
Bên cạnh đó, thầy Thắng cũng lưu ý trong đề thi phần từ vựng sẽ chiếm tới 60% và khó nhất là phần biến đổi từ, chuyển đổi câu. Do đó, khi ôn tập, học sinh cần phải đặc biệt chú ý tạo vốn từ, hiểu rõ bản chất của từ. Không có một quy luật nhất định nào về biến đổi, chuyển đổi câu mà các em phải nắm được cấu trúc câu thì mới làm tốt được bài.
Một chú ý nữa cũng được thầy Thắng đưa ra cho học sinh, đó là cần phải nắm được các động từ cấu trúc mà có thể sẽ được sử dụng trong đề thi như: Can và Can’t, Must và Mustn’t, Should và Shouldn’t.
Đỗ Hoa
Bình luận (0)