Nhưng với điều kiện là bệnh nhân phải tuyệt đối tuân theo lời khuyên bác sĩ.
Học sinh ở châu Âu được hướng dấn sơ cứu người bị đột quị – Ảnh: AFP
Ai có người thân bị nhồi máu cơ tim đều biết rõ rằng căn bệnh này có hai giai đoạn là "trước" và "sau" và không hẳn hễ ai mắc bệnh tim đều chết sớm.
Thậm chí đã có nhiều khảo sát chứng minh được rằng tình trạng sức khỏe của những bệnh nhân tim mạch không ngừng được cải thiện một khi họ được điều trị, theo dõi và tự chăm sóc bản thân tốt.
Một nghiên cứu của Pháp được đăng tải trên tạp chí chuyên đề "The American Journal of Cardiology" kết luận rằng một người mắc "bệnh tim ổn định" không hề giảm tuổi thọ so với tuổi thọ trung bình của toàn bộ dân số nói chung.
Khái niệm "ổn định" trong bệnh tim mạch có nghĩa là người bệnh được điều trị tốt ở giai đoạn đầu, tức là họ được cấp cứu kịp thời. Đó là điều kiện tiên quyết.
Tại Pháp, Trung tâm cấp cứu SAMU trang bị các phương tiện can thiệp cấp cứu tim mạch ngay trên xe cứu thương. Yếu tố quan trọng thứ hai sau đó là, bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc đúng cách và tuân thủ chặt chẽ những quy tắc vệ sinh an toàn sức khỏe trong cuộc sống hàng ngày.
Sau cùng là bệnh nhân phải nhận được những điều trị hỗ trợ dài hạn trong suốt cuộc đời. Từ đó, khi đến tuổi già họ qua đời là do quy luật tự nhiên chứ gần như không có liên quan gì đến căn bệnh tim trước đó.
Lý giải sâu hơn vấn đề, chúng ta có thể thấy rằng mọi người trong chúng ta bất kỳ ai cũng có thể sống lâu, sống khỏe nếu như chịu khó làm theo những lời khuyên rất đơn giản mà chúng ta nghe thấy hàng ngày, nhưng "khổ" thay, ít khi chúng ta nghe theo!
Vì sao? Vì hai lý do cũng… đơn giản không kém, đó là: "sống thì phải hưởng thụ" và "cứ để mai mốt tính sau". Bỏ hút thuốc ư? Ăn ít chất béo lại và tập thể dục 45 phút mỗi ngày để giảm cân ư? Sao mà khó quá! Từ từ làm! Thế đấy…
Nhưng đối với người bệnh tim thì ngược lại. Qua khỏi giai đoạn thập tử nhất sinh nếu được cấp cứu kịp thời, đa số bệnh nhân tim mạch sẽ không sợ căn bệnh này nữa nhưng sẽ tự mình tuân thủ đúng chế độ sinh hoạt an toàn và lành mạnh, họ sẽ quyết tâm trở thành những "bệnh nhân nghiêm túc" nhất có thể.
Bởi giờ đây, họ chỉ mong mỏi một điều duy nhất là tạo dựng lại một cuộc sống mới để khỏe mạnh hơn. Chính nhờ chuyển đổi sang thái độ sống tích cực hơn mà tổng trạng cơ thể của họ sẽ dần được hồi phục và sức khỏe được duy trì tốt, kéo dài nhiều năm, cho đến cuối đời…
Cho nên, chỉ có một lời khuyên duy nhất, và cũng như là một mệnh lệnh, cho những bệnh nhân tim mạch ngay khi vừa mới xuất viện, đó là: phải làm lại cuộc đời, sao cho an toàn hơn, lành mạnh hơn và trọn vẹn hơn.
Bí quyết nằm ở chỗ đó.
Bình luận (0)