Không chỉ hợp tác với doanh nghiệp trong nước, các trường nghề hiện đang nỗ lực hợp tác với đối tác nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM trong giờ thực hành
Người học thụ hưởng chương trình đào tạo tiên tiến
Ông Nguyễn Xuân Toán (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, trường luôn chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên. Theo đó, trong tháng 7-2019, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin của trường đã có đợt tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tại Trường CĐ Công nghệ Công nghiệp Tokyo (Nhật Bản). Theo ông Toán, đây là hoạt động nằm trong dự án kết nối ba bên giữa Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Tập đoàn Freesia (Nhật Bản) và Trường CĐ Công nghệ Công nghiệp Tokyo. Đây cũng là hoạt động thường niên nhằm chuẩn bị cho chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin theo mô hình gắn kết với doanh nghiệp và các trường CĐ công nghệ của Nhật Bản (chương trình IT-TFT). Được biết, chương trình này đã tuyển sinh và khai giảng trong tháng 9-2019. Tham gia chương trình này, sinh viên sẽ được Tập đoàn Freesia hỗ trợ học bổng trong suốt quá trình học và đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao là vấn đề “sống còn” trong thời buổi cạnh tranh giữa các trường nghề cũng như thị trường lao động. Với định hướng này, nhiều năm nay trường đã chủ động hợp tác với Đức đào tạo một số ngành nghề, trong đó có nghề kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải”, TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết. |
Nổi bật trong chương trình hợp tác đào tạo của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức năm nay là chương trình thực tập một năm tại Nhật Bản dành cho 36 sinh viên khóa 2018 các ngành: công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ kỹ thuật điện – điện tử và điện công nghiệp. Chương trình do Trung tâm Đào tạo Nguồn nhân lực & Hợp tác doanh nghiệp của trường và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng – Cung ứng nhân lực Hoàng Long phối hợp tổ chức. “Với chương trình này, người học có cơ hội học hỏi, tiếp cận kiến thức chuyên môn và trải nghiệm môi trường làm việc tại Nhật Bản. Kết thúc đợt thực tập, sinh viên tiếp tục hoàn thành chương trình học tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức và được xem xét công nhận miễn một số học phần như: thực tập doanh nghiệp, thực tập tốt nghiệp… Sau khi tốt nghiệp, người học tham gia chương trình này sẽ có cơ hội làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ thuật viên, hoặc được hỗ trợ giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam”, ông Toán thông tin thêm.
Tham gia phỏng vấn trực tiếp số sinh viên này, ông Ishii Toshihide (đại diện Nghiệp đoàn Sakura) đánh giá cao tinh thần và tác phong nghiêm túc của sinh viên; ông mong muốn các em sẽ giữ được tinh thần và tác phong đó khi đến thực tập tại Nhật Bản, cố gắng hoàn thành thật tốt phần thực tập.
Cơ hội tham gia thị trường lao động thế giới
Nằm trong định hướng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năm học 2019-2020, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 tuyển sinh đào tạo thí điểm các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo bộ chương trình chuyển giao từ Đức. Đại diện bộ phận tuyển sinh của trường cho biết có 42 chỉ tiêu chia đều cho 3 ngành công nghệ hàn, chế tạo thiết bị cơ khí và lắp đặt thiết bị cơ khí. Thời gian học chương trình này là 4 năm với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn của Đức và chuyên gia Đức tham gia đào tạo. Tốt nghiệp, sinh viên được các doanh nghiệp Đức tuyển dụng, ưu tiên lao động xuất khẩu sang Đức đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá và đạt trình độ B1 tiếng Đức.
Để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã xây dựng chiến lược hướng đến kiểm định ABET của Mỹ. Đây là trường nghề đầu tiên và là trường thứ ba tại Việt Nam đạt chuẩn ABET (hai trường kia là Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM). Theo đó, có 2 ngành của trường là công nghệ kỹ thuật điện – điện tử và công nghệ kỹ thuật cơ khí đã được tổ chức ABET đánh giá, công nhận đạt chuẩn. TS. Lê Đình Kha (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết với chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET, sinh viên tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà còn có cơ hội tham gia thị trường lao động thế giới.
Du học nghề tại chỗ Năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho phép 45 trường chất lượng cao tuyển sinh 1.056 chỉ tiêu du học Đức tại chỗ với 22 nghề. Điều kiện dự tuyển là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, có hạnh kiểm từ khá trở lên; ưu tiên học sinh có kết quả học tập của năm lớp 12 từ khá trở lên; ưu tiên học sinh có trình độ ngoại ngữ, hoặc diện chính sách. Hoàn thành chương trình đào tạo, người học được đánh giá kết quả đầu ra, đạt yêu cầu sẽ được cấp hai bằng là bằng tốt nghiệp CĐ của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp và bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức). Đây là hoạt động triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015. T.Anh |
Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng uy tín trong tuyển sinh cũng như cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Các quốc gia có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, Phần Lan… hiện được các trường nghề Việt Nam hướng đến. Theo đó, trong tháng 8-2019, Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM đã tiếp đón đoàn đại biểu Bộ GD-ĐT Phần Lan tới thăm, làm việc tại trường. Tại đây, hai bên đã có những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, hợp tác đào tạo, thực tập sinh.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)