Đừng “ham” chọn những ngành hiện xã hội đang có việc làm, hãy chọn những ngành theo tầm nhìn 4-5 năm tới xã hội sẽ cần. Đừng chọn ngành theo danh tiếng của trường mà hãy chọn theo thế mạnh của từng trường…
Chuyên gia tư vấn trao đổi thông tin với học sinh trong trường |
Đó là những lời khuyên của các chuyên gia tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hóc Môn).
Hướng tới yếu tố “dễ dàng hòa nhập”
Lời khuyên trên được ông Tăng Tông Nhân (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đưa ra cho học sinh trong trường khi lựa chọn ngành học tại các trường ĐH, CĐ. Theo ông Nhân, các em không nên chọn trường dựa trên yếu tố “hot” mà hãy chọn theo hướng đào tạo ngành nghề thực dụng. “Tùy từng trường sẽ có những thế mạnh đào tạo khác nhau. Các em nên tìm hiểu kỹ để lựa chọn sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, rất nhiều trường đào tạo hướng cho sinh viên đến yếu tố hòa nhập, với rất nhiều câu lạc bộ để các em có thể dễ dàng làm quen, thích nghi và bắt kịp với đời sống”, ông Nhân nói.
Cùng với đó, trước thắc mắc của học sinh về ngành quản trị ngân hàng và tài chính ngân hàng, ông Nhân cũng chia sẻ rằng hai ngành này sẽ học một số môn đặc thù như chứng khoán, tiền ảo… “HuTech Bank là nơi để các em có thể học chơi về chứng khoán hay học một số khóa ngắn hạn do chính các ngân hàng đào tạo. Kết thúc những khóa học này, các em có thể về làm việc ngay tại các ngân hàng đó”, ông Nhân cho biết.
Cần chủ động nắm bắt thông tin tuyển sinh Tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 tổ chức ở Trường THPT Hùng Vương (Q.5) vừa qua, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh năm nay (trừ ngành đào tạo sư phạm), người học cần phải hiểu rõ, nắm kỹ về ngành, về trường mà mình định ứng tuyển để tăng cơ hội học. Trao đổi với học sinh trong trường về nội dung đề thi THPT quốc gia, TS. Đặng Tất Dũng (đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định: Trong đề sẽ có 50% kiến thức chung, cơ bản. Còn lại 50% kiến thức là những câu hỏi phân loại thí sinh vào các trường ĐH. Vì vậy, các em chỉ nên chọn bài thi mà mình đăng ký để xét tuyển ĐH. Năm nay sẽ không có mức điểm sàn chung mà các trường sẽ tự đưa ra mức điểm sàn riêng cho trường mình. Do vậy, các em cần phải theo dõi trên website của trường mình chọn để kịp thời nắm bắt những thông tin xét tuyển về các ngành liên quan. Đ.Quân |
Với những băn khoăn của nhiều học sinh về ngành quan hệ công chúng và báo chí truyền thông, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho biết ngành báo chí luôn là sự lựa chọn của rất nhiều học sinh. Tuy nhiên, các em phải có những tố chất nhất định thì mới có thể theo được nghề như năng động, ham học giỏi, có một tư duy nhạy bén và linh hoạt, có vốn kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, ông Hạ cũng cho biết, ngoài ngành quan hệ công chúng thì ngành quan hệ quốc tế cũng đào tạo về truyền thông. “Khi học ngành quan hệ quốc tế tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, tốt nghiệp các em sẽ có chuẩn đầu ra tiếng Anh là IELTS 6.0; kỹ năng tiếng Anh quan hệ quốc tế; kiến thức kỹ năng về quan hệ quốc tế. Đây là một trong những ngành thế mạnh của trường, 50% sinh viên ngành này ra trường làm theo hướng về truyền thông”, ông Hạ khẳng định.
Chỉ mình mới có thể… hiểu mình
Đây là lời khuyên mà các chuyên gia nhắn gửi đến các em học sinh khối 12 khi lựa chọn ngành nghề. Lập luận được các chuyên gia đưa ra là, chỉ bản thân mình mới có thể hiểu nhất mình muốn gì, mình mạnh ở điểm nào và mình phù hợp với những ngành nghề nào để đưa ra quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến khích học sinh nên trải nghiệm nhiều để “hiểu mình” hơn. “Đây là thời điểm quan trọng với các em. Việc lựa chọn cho mình một con đường đúng, hướng đi đúng sẽ đưa các em đến một tương lai tươi sáng. Còn nếu mơ hồ, lơ mơ, các em sẽ không chỉ mất thời gian, tiền bạc mà quan trọng là tuổi trẻ của mình”, PGS.TS Bùi Xuân An (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) chia sẻ.
Tư vấn tuyển sinh cho HS 15 trường THPT tại Bến Tre Từ ngày 26 đến 30-3, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre và các trường ĐH tổ chức diễn ra tại 15 trường THPT trên địa bàn. Theo đó, trong chương trình, các chuyên gia tư vấn đến từ ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế Tài chính, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Sư phạm, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM… cung cấp cho học sinh khối 12 những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018; định hướng chọn ngành nghề đúng với đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội; chuẩn bị tâm lý, ăn uống, nghỉ ngơi cho kỳ thi… PV |
Trước thắc mắc của học sinh về ngành thiết kế thời trang, cơ hội việc làm và sự trải nghiệm, ông An nhấn mạnh đây là ngành mang tính thực hành rất nhiều không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Do đó phải là người thật sự yêu thời trang, đam mê về sự sáng tạo thì mới nên theo học. Giải đáp về sự quan tâm của nhiều học sinh với ngành học mới mẻ là kỹ thuật y sinh, ông Tăng Tông Nhân nói: “Ngành này sẽ được học cả về kỹ thuật máy móc và y học. Tương lai vài năm tới, xã hội sẽ rất cần nguồn nhân lực trong ngành này nên mức độ cạnh tranh đầu ra rất cao. Nhân lực ngành này không chỉ làm việc tại các bệnh viện mà còn làm việc trong các khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ đòi hỏi cao các em về ngoại ngữ”.
Một chương trình đào tạo tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM được nhiều học sinh quan tâm, đó là chương trình Nhật Bản. Theo ông Nhân, với chương trình đào tạo các ngành nghề theo chương trình liên kết với Viện Công nghệ Nhật Bản thì sẽ đảm bảo đầu ra làm việc tại Nhật. Còn chương trình đào tạo tiếng Nhật sẽ thực hiện trao đổi sinh viên với Nhật, học kỳ tại Nhật. Sinh viên được làm việc có lương 1 năm tại Nhật.
Đỗ Yến
Bình luận (0)