Nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các nghề trọng điểm và trọng yếu của TP, quốc gia và khu vực, TP.HCM đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, xứng tầm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Bên cạnh đó, hệ thống trường tư cũng phát triển, tạo điều kiện cho học viên tiếp cận chương trình đào tạo theo hướng phát triển kỹ năng nghề.
Học sinh THCS trên địa bàn Q.Tân Phú tham gia Ngày hội hướng nghiệp cho thanh thiếu niên năm 2017, do Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP) tổ chức |
Ngành nghề hút nhân lực trình độ TC
Ông Hoàng Quốc Long (Hiệu trưởng Trường TC Nguyễn Tất Thành) khẳng định: Hiện nay các nhà tuyển dụng đã thoáng hơn trong việc tìm nguồn lao động, không chú trọng đến bằng cấp trình độ CĐ-ĐH mà quan tâm đến nguồn nhân lực trình độ TC được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghề và đặc biệt là yêu nghề. Từ đó, các trường cũng đã mạnh dạn liên kết đào tạo, tuyển sinh sau THCS đào tạo nghề theo địa chỉ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh sau THCS chọn ngã rẽ học nghề, sở đang rà soát lĩnh vực đào tạo thế mạnh của các trường, phân công nhiệm vụ đào tạo theo yêu cầu đặt hàng, tập trung đào tạo nhân lực cho 4 nhóm ngành trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm, thương mại, vận tải – kho bãi dịch vụ cảng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin – truyền thông, kinh doanh tài sản – bất động sản, thông tin tư vấn – khoa học – công nghệ, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo) và 8 nhóm ngành dịch chuyển lao động và ngành công nghiệp hỗ trợ của TP (kỹ thuật, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ khảo sát, y tế, nha khoa, kế toán và dịch vụ).
Theo định hướng phát triển của TP.HCM, trong thời gian tới rất cần nguồn lao động ở các nghề kỹ thuật trọng điểm và trọng yếu. Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP là cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất – nhựa cao su và chế biến tinh lương thực – thực phẩm. Thời gian qua, nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ thực tế đó, TP đã chọn các trường: CĐ Nguyễn Trường Tộ, TC nghề Nhân Đạo, TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, CĐ Nghề TP… đào tạo nghề trọng điểm.
Ông Trần Xuân Hải (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, qua những ngày hội việc làm cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động các ngành công nghiệp trọng yếu là rất cao, trong đó lao động trình độ TC chiếm đa số. Các ứng viên có tay nghề nếu trau dồi thêm ngoại ngữ và đảm bảo kỹ năng làm việc thì có thể sở hữu một vị trí tốt với mức lương khá, từ 8 triệu đồng/tháng trở lên ngay sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho hay: Mỗi năm, TP.HCM cần 11.000 lao động ngành chế biến tinh lương thực – thực phẩm, trong đó trình độ TC chiếm đến 60%: kế đến là ngành hóa chất – nhựa cao su, nhu cầu tuyển dụng cũng xấp xỉ con số này và dự báo năm 2018, lao động ngành này chiếm trên 15% nhu cầu nhân lực của TP. “Từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP, mỗi năm cần khoảng 46.000 lao động”, ông Tuấn cho biết.
Học nghề không lo thất nghiệp
Trao đổi về nhóm ngành cơ khí bậc TC, ông Trần Anh Tuấn cho biết học sinh học ngành này không phải lo thất nghiệp, ngược lại cơ hội thăng tiến rất cao. Tuy nhiên, để cạnh tranh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ… thì người học cần có thái độ học tập tốt. “Mỗi năm TP.HCM cần khoảng 8.000 lao động ngành cơ khí nhưng thực tế các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Bách Khoa TP.HCM) nhìn nhận, hiện nay tâm lý “thầy hơn thợ” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận học sinh, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở người học trình độ CĐ-ĐH ngày một cao. Suy nghĩ này càng khiến người học đi vào ngõ cụt.
Ông Sáng cho biết thêm, tỷ lệ học sinh Trường TC Bách Khoa TP.HCM ra trường có việc làm hàng năm đạt từ 90 đến 100%. Có những ngành nghề các em ra trường có việc làm ngay 100% như: sư phạm mầm non, kỹ thuật chế biến món ăn, kế toán, tin học ứng dụng, dược sĩ… Trong đó có nhiều ngành nghề hút lao động ở thị trường Đức và Nhật Bản nhưng tuyển không đủ người như: điều dưỡng, chăm sóc người già, y sĩ học cổ truyền… Trong năm 2018, trường đã được các đối tác Đức đặt hàng đào tạo 40 học sinh và Nhật Bản đặt hàng 60 học sinh ngành điều dưỡng.
TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC nghề Nhân Đạo) cũng chia sẻ: “Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm từ 80% trở lên, được nhà trường giới thiệu việc làm miễn phí 100% sau khi tốt nghiệp. Số còn lại tham gia chương trình nâng cao, liên thông lên CĐ”.
T.Anh
Bình luận (0)