Không quá nặng nề như cuộc đua vào ĐH nhưng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập sắp tới cũng là “bước chuyển quan trọng” cho học sinh cuối cấp THCS. Không đặt nặng điểm số, giữ bình tĩnh trong quá trình làm bài… là những lời khuyên được các chuyên gia tâm lý đưa ra cho các em học sinh.
Theo các chuyên gia, khi vào phòng thi, các em đừng sợ giám thị và hãy thật bình tĩnh khi làm bài. Trong ảnh: Thí sinh xem lại đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2017. Ảnh: D.Bình |
Trang bị kỹ năng thích ứng với môi trường mới
Đó là lưu ý đầu tiên được ThS. Võ Minh Thành (giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ với các bậc phụ huynh và học sinh lớp 9 trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay. Theo ông Thành, điều này đóng vai trò cực kỳ quan trọng và cần thiết để tránh cho các em sự choáng ngợp trước một môi trường mới. “Ở lứa tuổi này, các em chưa thật sự đủ trưởng thành để có thể làm quen nhanh, bắt kịp được với những gì quá mới mẻ. Có thể đó sẽ là sự bỡ ngỡ và hụt hẫng khi thay đổi thầy cô, bạn bè, phương pháp học. Thậm chí, nhiều trường hợp các em sẽ cảm thấy cô đơn, khó hòa nhập. Do đó, cha mẹ cần phải làm công tác tư tưởng trước như trò chuyện thường xuyên với các em về tương lai sắp tới, về những điều các em có thể đối mặt ở môi trường mới”, ông Thành phân tích.
Một lưu ý nữa cho phụ huynh mà theo ông Thành đây chính là “kim chỉ nam” ban đầu quyết định thành bại của con. Đó là trước khi chọn trường thì phụ huynh cần phải lắng nghe tiếng nói của con về những sở thích, về nguyện vọng, về ước mơ của con sau này. Sẽ có nhiều em ước mơ được học tiếp, học cao để thành những thầy giáo, kỹ sư nhưng cũng sẽ có nhiều em không muốn đi học tiếp mà lại thích học nghề sửa ô tô, điện thoại di động… “Trong bất cứ trường hợp nào, phụ huynh cũng cần phải bình tĩnh, lắng nghe con nói, chia sẻ với thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và kỹ càng suy xét dựa trên thực lực của con, hoàn cảnh của gia đình để giúp con đưa ra những lựa chọn đúng đắn”, ông Thành nhắn nhủ.
Môi trường học không phải quyết định tất cả thành công mà quan trọng là nằm ở bản thân các em. Do đó, theo ông Thành, phụ huynh không nên đặt nặng điểm số, tạo áp lực trường chuyên lớp chọn cho con, tránh trường hợp con phải “đứt gánh” giữa đường vì không chịu được với những áp lực đó.
Còn đối với các “sĩ tử”, ông Thành nhắn nhủ rằng các em nên có một kế hoạch ôn luyện khoa học theo cách hệ thống lại kiến thức bằng sơ đồ, phân bố thời gian cho các môn, chú ý giấc ngủ. “Vào phòng thi đừng sợ giám thị. Đừng thấy bạn bè xin thêm giấy thi, giấy nháp mà run. Hãy thật bình tĩnh khi làm bài. Và dù kết quả thế nào thì cũng chuẩn bị sẵn tâm thế sẵn sàng đối mặt”, ông Thành nói.
“Đã vào cuộc chơi là phải hết mình”
Có nhiều năm kinh nghiệm về tư vấn tâm lý cho học sinh và phụ huynh, TS.BS tâm lý Vũ Thiện Toàn (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) đưa ra lời khuyên rằng, đứng trước ngã rẽ quan trọng này, phụ huynh cần phải có một cái nhìn và nhận thức đúng đắn. “Phụ huynh cần nhìn đúng vào thực lực của con em mình và nhận thức đúng vấn đề. Đừng ảo tưởng mà lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của cả phụ huynh và học sinh”, ông Toàn cho biết.
Đặc biệt, theo ông Toàn, năm nay số lượng học sinh lớp 9 quá đông mà hướng phân luồng, hướng nghiệp ngay từ bậc THCS đang được ngành GD-ĐT TP.HCM siết chặt hơn nên phụ huynh càng phải có một cái nhìn thấu đáo, suy xét trong việc lựa chọn cùng con. “Nếu năng lực của con không đủ thì cũng đừng nên cố ép con vào các trường THPT công lập mà có thể cho con học nghề, học TCCN, học tại các trung tâm GDTX… Hoặc năng lực của con chỉ có thế thì cũng đừng ép con phải học các trường top đầu. Và cũng đừng vì gần nhà mà bắt con học trường này, vì điểm số thấp mà bắt con học trường xa”, ông Toàn phân tích.
Bên cạnh đó, ông Toàn cho biết ở bước ngoặt này, thay vì tạo áp lực học tập cho con thì phụ huynh nên đồng hành để giúp con đưa ra một chọn lựa phù hợp nhất. Trong việc học tập, đừng ép con phải học ngày học đêm, miệt mài học thêm mà hãy nhắc nhở, định hướng để con tự ý thức được việc học của mình. ‘‘Ở lứa tuổi nhạy cảm và dễ tổn thương này, các em chịu tác động của bên ngoài rất nhiều. Do đó, giúp con định hướng được đường đi sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều là bắt con phải thế này, phải thế kia”, ông Toàn nói.
Về phía học sinh, ông Toàn cho rằng các em cần phải suy xét thật kỹ xem mình nên chọn trường nào, nên học tiếp hay chuyển sang học nghề. Và trong mọi lựa chọn, phải có trách nhiệm đến cùng. Nếu quyết định đi tiếp thì phải thật cố gắng, cân nhắc khả năng để đăng ký nguyện vọng với những trường mà mình yêu thích. Đừng nhìn bạn bè chọn mà chọn theo. Vì mình phải thích thì mình mới có động lực để phấn đấu thi đậu vào. Còn nếu quyết định rẽ ngang thì các em cũng phải thật sự hiểu mình muốn gì, mình có năng lực và sở trường, mạnh ở điểm nào để lựa chọn một nghề thích hợp.
Làm thế nào để có tâm lý thoải mái nhất khi bước vào phòng thi?, ông Toàn đưa ra lời khuyên rằng các em đừng quá căng thẳng. “Hãy cứ coi nội dung đề thi như một tiết kiểm tra bình thường trên lớp. Cứ làm bài hết mình và khoan hãy nghĩ về điểm số”, ông Toàn khuyên.
Yến Hoa
Bình luận (0)