Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giúp trẻ lấy lại nhịp sinh học đầu năm học

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những tình huống thường gặp trong đầu năm học mới là trẻ hay đi học trễ hoặc hay ngủ gật trong lớp khi thầy cô giảng bài. Đó là do trẻ thức khuya vào ngày hôm trước, và sáng hôm sau thì chưa ngủ đủ giấc. Trẻ đã quen với giờ giấc sinh hoạt mùa hè (khi không phải đến trường học) là thức khuya dậy trễ. Điều này không phải lỗi của trẻ. Thế nên, thầy cô và gia đình phải cùng nhau phối hợp giúp trẻ lấy lại nhịp sinh học cũ cho năm học mới, để tránh ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Đối với phụ huynh, cần thường xuyên quan tâm nhắc nhở để trẻ không thức khuya, cắt giảm các thời gian dành cho vui chơi giải trí vào buổi tối. Bên cạnh đó, phụ huynh nên chủ động giải thích, khuyên nhủ để trẻ ý thức rõ về vấn đề xây dựng lại nhịp sinh học cho năm học mới, tránh thúc ép áp đặt khiến các em không hiểu nên sinh lòng “làm theo mà không phục”. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể nhắc trẻ tự mình đặt chuông báo thức cho sáng hôm sau thay vì trực tiếp đánh thức các em. Điều này sẽ giúp trẻ có ý thức chủ động hơn trong việc đến trường đúng giờ.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, khi trẻ tỏ ra lười biếng, hành động chần chừ ngại đến trường, phụ huynh chớ vội trách mắng trẻ, mà cần tìm cách khuyến khích các em đến trường thông qua những tác động tâm lý phù hợp. Theo đó, phụ huynh có thể khơi gợi những ưu điểm có được khi đến trường, vẽ ra những niềm vui, hoặc các hoạt động thú vị. Phụ huynh có thể gợi ý về việc trẻ đến trường và chia sẻ với các bạn cùng lớp về mùa hè rộn ràng vừa qua. Hẳn trẻ sẽ rất hào hứng vì được tự mình kể lại trong sự tự hào, vui thích về những điều trẻ đã trải nghiệm. Đối với thầy cô, khi gặp tình huống trẻ ngủ gật, tinh thần uể oải vào đầu năm học, thì cũng cần thể hiện sự cảm thông, tìm cách giải quyết hợp lý, hạn chế phê bình trẻ trước lớp, sẽ khiến các em vừa xấu hổ vừa sinh ra cảm xúc tiêu cực với giáo viên. Thầy cô cũng cần phối hợp với phụ huynh. Chẳng hạn như liên hệ với phụ huynh để thông báo và đề nghị phụ huynh sắp xếp lại thời gian biểu sinh hoạt ở nhà của trẻ cho phù hợp, chú ý không chỉ giờ ngủ mà còn giờ ăn, các hoạt động vui chơi khác của các em. Bên cạnh đó, thầy cô cần lưu ý phụ huynh tránh la rầy trẻ, vì sẽ khiến các em hiểu lầm là thầy cô mách ba mẹ, từ đó lại tạo nên khoảng cách không đáng có giữa thầy trò trong tâm lý của trẻ nhỏ. Tin rằng, nếu có sự phối hợp tốt giữa thầy cô và gia đình, sẽ giúp trẻ sớm lấy lại tinh thần và nhịp điệu học tập cho năm học mới.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)