Dù chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp năm 2017 đạt hơn 100% so với kế hoạch, nhưng nhiều trường cao đẳng, trung cấp vẫn kêu khó và xác định thách thức tuyển sinh có thể sẽ lớn hơn trong năm nay.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (TP.HCM) trong giờ học thực hành – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là chia sẻ của đại diện nhiều trường bên lề Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh, thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017, phương hướng hoạt động năm 2018 tổ chức ngày 2-4 tại Hà Nội.
Áp lực tứ phía
Không chỉ từng trường nghề đơn lẻ nhận ra cái khó trong tuyển sinh của mình, mà chính Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng nhận diện rõ những khó khăn của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Trương Anh Dũng – phó tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, trong năm 2017, cả nước đã hình thành được một hệ thống GDNN thống nhất, vận hành theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục GDNN cho thấy trong hơn 2,2 triệu chỉ tiêu tuyển mới năm 2017 thì "thị phần" dành cho trình độ trung cấp và cao đẳng chỉ là hơn 540.000 người, chiếm chưa đến 25% so với tổng số tuyển sinh trong GDNN năm 2017.
Ông Vũ Xuân Hùng, vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục GDNN, thừa nhận đây là một trong những bất cập trong cơ cấu tuyển sinh. Cơ cấu tuyển sinh, đào tạo toàn hệ thống chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%).
Cơ cấu đào tạo không hợp lý không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, mức độ đầu tư của từng trường, mà lâu dài còn ảnh hưởng mạnh đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Theo tổng cục, phương thức tuyển sinh đại học có sự thay đổi đã tạo áp lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất thấp.
Đây cũng chính là tâm trạng chung của nhiều trường. Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Công Huân – hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế – kỹ nghệ thực hành Phú Thọ – nhận định việc tuyển sinh của các trường cao đẳng ngày càng bị bủa vây bởi nhiều khó khăn. Trong đó, đại học mở rộng cửa đón thí sinh bằng những tiêu chí đơn giản, dễ dàng hơn khiến những thí sinh còn nặng quan niệm bằng cấp quay lưng với trường cao đẳng.
Còn mặt khác, ở thị phần những thí sinh không có ham muốn bằng cấp thì lại bị ảnh hưởng bởi cơ hội có việc làm ngay, không cần qua đào tạo. Nhiều doanh nghiệp – trong đó có những doanh nghiệp nước ngoài – tuyển ào ạt học sinh tốt nghiệp phổ thông, tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ khiến các trường cao đẳng càng thêm lao đao. Học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ cần trải qua vài tuần học kỹ năng chuyên biệt, đơn giản đã có thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.
Nhưng chính sách tuyển dụng giản đơn này không tạo việc làm bền vững mà chỉ có thể giải quyết được nhu cầu việc làm cục bộ.
Không có việc làm, trả lại học phí
Từ chính sách riêng của một số trường cao đẳng trong tuyển sinh, Tổng cục GDNN đã coi đây là mô hình cần được nhân rộng. Theo đó, tổng cục khuyến khích các trường tìm hiểu, thực hiện mô hình cam kết trả lại học phí nếu học sinh không có việc làm với mức thu nhập thỏa đáng sau tốt nghiệp.
"Việc làm" cũng chính là từ khóa chung của các trường nghề khi tính đến giải pháp hút thí sinh. Theo ông Phạm Xuân Khánh – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để "giành giật" người học để tuyển sinh đạt chỉ tiêu ở mọi trình độ, ngành nghề đào tạo.
Thực tế là nhiều trường, nhiều ngành nghề đã phải đóng cửa vì không tuyển được sinh viên. Điều này gây lãng phí, tốn kém cho các trường và cho ngân sách Nhà nước.
Theo ông Khánh, giải pháp tìm đầu ra cho người học sau tốt nghiệp không chỉ là hoạt động vì sinh viên mà đó còn cũng chính là lối ra của các trường cao đẳng, trung cấp. Muốn vậy, trước hết, các trường phải tuyển sinh những ngành xã hội thực sự có nhu cầu và quan hệ tốt với doanh nghiệp.
Đánh giá mối quan hệ với doanh nghiệp là chìa khóa để các trường tạo được sức hấp dẫn cho thí sinh và có điều kiện nâng cao chất lượng, Tổng cục GDNN yêu cầu các trường phải chủ động tìm đến các doanh nghiệp, để tìm hiểu nhu cầu và kết nối đào tạo theo đặt hàng.
Sốt sắng cho sự chuyển động kết nối với doanh nghiệp từ các trường, ngay tại hội nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đứng ra ký kết hợp tác với một loạt cơ quan, tổ chức có liên quan như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa VN, Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI).
Ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết việc tổng cục đứng ra ký kết hợp tác với các tổ chức, hiệp hội nhằm tạo tiền đề cho cầu nối giữa các chủ sử dụng lao động và các trường vì nếu từng trường riêng lẻ thì khó có đủ vị thế để ký kết với các tổ chức lớn. Riêng việc tổng cục ký kết hợp tác với các tập đoàn lớn cũng nhằm làm hình mẫu, lan tỏa giá trị kết nối doanh nghiệp cho các cơ sở đào tạo.
4 tỉnh không tuyển được sinh viên cao đẳng nào Theo số liệu báo cáo của các địa phương trên cả nước, có ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao, đó là nghề điện công nghiệp, công nghệ ôtô, điện tử công nghiệp, hàn, quản trị mạng, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị khách sạn. Tuy nhiên, bên cạnh những nghề tuyển sinh đạt kết quả cao, có những nghề khó tuyển sinh, đặc biệt là những nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: khoan nổ, mìn; công nghệ mạ,… Đặc biệt, ở hệ cao đẳng, có 7 tỉnh trên cả nước chỉ tuyển sinh được dưới 100 sinh viên. Trong đó, có 4 tỉnh không tuyển sinh được ở trình độ cao đẳng gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Tây Ninh. |
Bình luận (0)